Tiếp tục đổ nước lạnh vào nồi khi đang luộc thịt là một thói quen phổ biến của nhiều người nhưng điều này không tốt như bạn vẫn nghĩ.
- Mẹo luộc thịt thơm, mềm, ngọt mà bà nội trợ nào cũng cần biết
- Tuyệt chiêu luộc thịt, lòng lợn trắng bóc và thơm phưng phức đơn giản, dễ dàng đến bất ngờ
Đổ nước lạnh vào nồi khi đang luộc thịt – Thói quen phổ biến khi nấu nướng nhiều bà nội trợ vẫn làm
Thịt luộc là một trong những món ăn đơn giản, dễ làm nhất trên mâm cơm hàng ngày của gia đình bạn. Để luộc thịt, thông thường chúng ta thường rửa sạch, cho thịt vào nồi, đổ nước vào và luộc thịt cho đến khi chín. Trong quá trình luộc thịt, nhiều bà nội trợ vì một số lý do thường đổ thêm nước lạnh vào nồi thịt luộc đang sôi sùng sục.
Thường thì khi đun một lúc, bạn mở nắp nồi và phát hiện cạn nước, bắt buộc phải cho thêm nước vào nồi luộc thịt. Điều này thường áp dụng trong trường hợp miếng thịt vẫn chưa chín, còn ra nước màu hồng trong khi nước thì đã cạn gần hết. Trong trường hợp này, chúng ta thường ngay lập tức cứu nguy cho miếng thịt bằng cách đổ nước vào nồi, thông thường là nước lạnh, nước lấy ở ngay vòi rửa gần bếp nấu.
Đa số các bà nội trợ chỉ dừng lại ở việc luộc thịt chín chứ ít ai để ý đến mặt lợi, mặt hại của việc luộc thịt theo cách này như thế nào. Thực tế thì hành động tưởng chừng vô cùng nhỏ bé này lại biến miếng thịt luộc thành món ăn có lượng chất dinh dưỡng giảm đi đáng kể. Vô hình chung, việc chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình của bà nội trợ bỗng trở nên vô ích.
Không nên đổ thêm nước lạnh vào nồi thịt đang sôi để tránh mất dinh dưỡng
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), đổ nước lạnh vào nồi khi đang luộc thịt sẽ khiến các protein và chất béo trong thịt bị kết tủa, làm thịt co lại, cứng hơn bình thường và mất đi chất dinh dưỡng. Thực tế thì thói quen này chẳng gây hại gì cho sức khỏe, chỉ là làm miếng thịt không được ngon bằng việc luộc đến chín không cần đổ thêm nước.
Mặc dù vậy, chuyên gia khuyến cáo vẫn nên đổ đủ nước luộc thịt ngay từ ban đầu cho đến khi miếng thịt chín thì sẽ tốt hơn, vừa đỡ mất thời gian đổ thêm nước cũng như đợi sôi lại. Trong khi việc đổ nước lạnh vào thịt luộc đang đun sôi lại chẳng có tác dụng gì về mặt sức khỏe.
TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết thêm, khi luộc thịt, có hai cách luộc, một là cho thịt vào nồi nước đang sôi, cách thứ hai thì ngược lại: Bỏ thịt vào nồi nước nguội rồi bật bếp lên cho sôi. Mỗi cách đều có một tác dụng riêng, thực tế cho thấy cả hai cách đều làm chín thịt và ăn được.
TS Từ Ngữ nhận định, luộc thịt bằng nước sôi, thịt ăn vào có thể có cảm giác ngon ngọt hơn so với việc bỏ thịt vào nồi nước lạnh rồi mới luộc, cách này cũng sẽ giữ được chất dinh dưỡng hơn (không bị phân hủy do bị đun sôi quá lâu). Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cách luộc này không thải được nhiều chất bẩn, chất độc trong thịt, nên về lâu dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Còn nếu cho thịt vào nồi nước lạnh rồi mới đun thì thịt không ngon bằng, nhưng nước thịt lại ngọt. Vì khi đó, người nấu đã vớt hết bọt và các độc tố thôi ra từ bên trong thớ thịt.
Các chuyên gia cùng nhấn mạnh, việc ăn như thế nào căn cứ vào nhu cầu của mỗi người. Nhiều người muốn ăn miếng thịt ngon ngọt thì sẽ chọn cách cho vào nước đang sôi; trong khi người có nhu cầu ăn thịt "sạch" hơn và dùng nước luộc thịt ngọt, đậm, thì nên chọn cách còn lại.
Cũng tương tự như vậy, việc đổ thêm nước lạnh vào thịt khi đang đun sôi cũng xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Nếu nước luộc thịt bị cạn đi đáng kể trong khi thịt vẫn chưa đủ chín thì bạn bắt buộc phải đổ thêm nước vào và nấu chín. Điều này không gây hại sức khỏe nhưng sẽ làm mất đi một lượng chất dinh dưỡng nên tốt nhất đổ đầy nước để luộc ngay từ đầu.
Chuyên gia khuyến cáo, muốn thịt ngon và đảm bảo dinh dưỡng khi luộc, điều quan trọng nhất là cho thịt vào nồi nước lạnh, đun sôi rồi vớt bọt để loại bỏ chất bẩn và hóa chất có trong thịt sau khi mua về. Bạn cũng nên sơ chế rửa đi rửa lại nhiều lần bằng nước sạch, có thể dùng chút muồi hòa tan trong nước rồi rửa thịt cũng có tác dụng đáng kể trong việc loại bỏ chất bẩn.