Trời rét đậm, rét hại, bé 2 tuổi nhập viện trong tình trạng méo miệng, liệt dây thần kinh số 7

Chăm sóc con 25/12/2023 11:14

Trẻ 2 tuổi nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột khi được bố mẹ cho đi xe máy buổi tối.

Dẫn từ Người Đưa Tin, Trung tâm Y dược Cổ truyền – Phục hồi chức năng, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vào nhập viện điều trị. Điều đáng nói là trong đó có nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh và nguyên nhân đều có sự chủ quan từ phía người lớn.

Mới đây nhất là trường hợp bé T.G.H, mới 2 tuổi ở thành phố Việt Trì, nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột khi được bố mẹ cho đi xe máy buổi tối.

Theo mẹ bé H, trước hôm bị bệnh 1 ngày, bố mẹ có cho cháu đi chơi bằng xe máy đến khoảng 21h mới về. Thời tiết hôm đó đang chuyển mùa nên buổi tối có gió và se lạnh. Do chủ quan nên mẹ cháu không mang theo mũ, áo giữ ấm cho bé.

Trời rét đậm, rét hại, bé 2 tuổi nhập viện trong tình trạng méo miệng, liệt dây thần kinh số 7 - Ảnh 1
Một trường hợp trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 - Ảnh: Bệnh viện Sản nhi Nghệ An

Trước đó cháu bé không bị ngã hay có chấn thương gì, cháu vẫn chơi đùa, ăn ngủ bình thường. Sáng sớm hôm sau, người nhà phát hiện cháu bị méo miệng khi cười hoặc khóc. Trong lúc ăn cháo, uống sữa thì thấy nước cháo, sữa chảy bên mép miệng bên trái, khi ngủ thấy mắt bên trái của cháu nhắm không kín. Cháu khó chịu, quấy khóc hơn mọi ngày nên gia đình đã đưa cháu đến khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám ngay trong ngày.

Tại Bệnh viện, bé H. được chụp cắt lớp vi tính kiểm tra sọ não không phát hiện tổn thương tại sọ; đi khám chuyên khoa Mắt, Tai mũi họng không phát hiện vấn đề gì ở mắt và tai mũi họng. Bác sỹ kết luận cháu bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Tại viện, cháu T.G.H được điều trị liệt dây thần kinh số 7 kết hợp bằng các phương pháp: Châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, hồng ngoại,…

Tuy nhiên, người bệnh H mới được 24 tháng tuổi nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp của cháu với cán bộ y tế còn hạn chế. Cán bộ không thể hướng dẫn các bài tập cho cháu, các phương pháp điều trị thực hiện trên cơ thể rất khó vì cháu không hợp tác. Nhưng bằng sự khéo léo và tận tình cháu vẫn được điều trị bằng các phương pháp an toàn, đem lại hiệu quả cao.

Hiện tại, sau 3 tuần điều trị tại Trung tâm, cháu tiến triển tốt, ăn uống tốt, mặt được cải thiện nhiều, ăn uống không rơi, mắt nhắm kín, miệng hết lệch, các hoạt động bình thường và đã được xuất viện.

Dẫn tin từ báo Nhân Dân, vào các thời điểm chuyển mùa, trời lạnh, số ca liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gia tăng.

Theo các chuyên gia, lý do khiến cho dây thần kinh số 7 bị liệt chủ yếu là: Nhiễm lạnh đột ngột, trúng gió; Bệnh viêm tai-mũi-họng không được điều trị hiệu quả; Chấn thương xảy ra ở xương chũm, vùng thái dương,...; Có bệnh lý ở nền sọ; Tiểu đường; Xơ vữa động mạch; Bệnh huyết áp.

Trời rét đậm, rét hại, bé 2 tuổi nhập viện trong tình trạng méo miệng, liệt dây thần kinh số 7 - Ảnh 2
Một số biểu hiện của liệt dây thần kinh số 7 - Ảnh minh họa: VinMec

Những có nguy cơ cao hơn với bệnh liệt dây thần kinh số 7 là người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu; Thai phụ; Người thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya; Hay uống rượu bia; Người có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp; Người hay phải đi sớm về khuya.

Hầu hết các trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 sẽ có các biểu hiện: Tuyến lệ hoạt động không tốt, mí bị sụp, khô mắt, không thể nháy hoặc nhắm mắt; Miệng bên liệt khó mỉm cười, khó hoặc không thể khép lại, chảy dãi.

Một số người có mặt bị xệ xuống hoặc hơi cứng bất thường, méo miệng lệch về một bên; Khóe miệng, vùng trán bị dị cảm; Bị đau quanh góc hàm, xương chũm, thái dương, tai; Vị giác bị thay đổi; Nhạy cảm hơn với âm thanh.

Có trường hợp rối loạn lời nói hoặc khả năng nhai nuốt. Ở bên mặt bị liệt dễ bị đọng thức ăn, uống nước hay bị trào ra. Một bên mặt có cảm giác bị tê và yếu cơ hẳn đi.

Nếu bị liệt dây thần kinh số 7 sau đợt nhiễm trùng zoster hay herpes simplex có thể gây ra những cơn đau dữ dội, nổi mụn nước ở lưỡi hoặc vòm miệng.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, việc làm quan trọng nhất là giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, không tắm quá khuya. Trẻ nhỏ ra ngoài trời cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.

Người lớn lưu ý tránh cho trẻ ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.

Nếu có biểu hiện bị liệt dây thần kinh số 7 cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và điều trị. Nếu để bệnh ở mức độ nặng, áp dụng các biện pháp điều trị muộn thì rất khó khỏi, khoảng 80-90% trường hợp sẽ bị méo miệng khi cười. Đặc biệt, điều trị muộn có thể gây thoái hóa dây thần kinh, một số trường hợp còn có chiều hướng tiến triển xấu do điều trị sai cách.

Các phương pháp chữa liệt dây thần kinh số 7 bằng châm cứu như: ôn châm, điện châm, thủy châm kết quả thu được rất khả quan với tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 90%.

Châm cứu chữa liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh điều trị bằng phương pháp điện châm đem lại hiệu quả rất tốt, nếu điều trị kịp thời đúng phương pháp bệnh sẽ khỏi trong vòng 20-25 ngày.

Sau 2 tháng cắt mí, người phụ nữ 45 tuổi 'gặp hoạ': Mắt 'con đậu, con bay', ánh nhìn lờ đờ

Bệnh nhân thường đến trong tình trạng 2 mí mắt không đều, mí mắt quá to (chiều cao mí mắt có thể lên đến 15 mm).

TIN MỚI NHẤT