Trước khi quyết định bọc răng sứ, bệnh nhân nên tìm hiểu rủi ro có thể xảy ra, nên chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có chuyên môn.
- Ba bệnh nhân bị mù mắt vì ngộ độc cồn công nghiệp methanol trong rượu
- Tiêm filler cải thiện trán lõm, nam thanh niên nguy cơ mù mắt, tổn thương thần kinh số 2 và 3
Theo thông tin từ Sức khoẻ Đời sống, mới đây, chị N.T.M (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tìm đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội khám vì tình trạng đau nhức sau một thời gian làm răng thẩm mỹ. Chị M cho biết: 'Sau 2 lần chỉnh răng để mong có hàm răng đẹp, trắng sáng, thì kết quả nhận được thật sự thất vọng. Răng thì rất dày, được một thời gian ngắn thì xuất hiện tình trạng đau nhức, thậm chí không thể nhai và ê buốt dọc hai bên hàm lên tận thái dương".
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán chị M bị lệch khớp cắn mà nguyên nhân chính là do lắp răng thẩm mỹ không đúng kỹ thuật.
Tương tự, cô gái trẻ N.T.L (Bắc Ninh) cũng đến viện trong tình trạng lệch khớp cắn sau khi làm răng thẩm mỹ, không những thế L còn bị mài răng sai kỹ thuật, sai giải phẫu khi thực hiện tại 1 cơ sở Nha khoa thẩm mỹ ở Bắc Ninh. Theo bệnh nhân L, sau khi lắp răng thẩm mỹ chừng 3 tháng, bệnh nhân không ăn được, không ngủ ngon vì răng ê buốt, hai tai ù và hàm rất mỏi. Điều này làm cô gái trẻ sụt đi hơn 3kg sau 1 thời gian ngắn làm răng.
Dẫn tin từ Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Hiệp hội Răng hàm mặt Việt Nam, cho hay biến chứng thường gặp khi bọc răng sứ là lệch khớp cắn.
"Khi sai khớp cắn như vậy thì lực nghiến rất mạnh. Ban đầu nó tạo phản ứng rắc rắc, lục cục ở trong khớp, khi bắt đầu tổn thương dẫn tới ù tai, càng để lâu sẽ ảnh hưởng đến thính lực, tai không nghe thấy gì", bác sĩ Hòa cho hay.
Bác sĩ Hòa cho biết bọc răng sứ thẩm mỹ đòi hỏi công nghệ cao, bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm và chuyên môn vững chắc. Đồng thời, nên lựa chọn chất lượng của răng sứ để đảm bảo kết quả tốt, hạn chế các biến chứng sau khi hoàn thành.
Ngoài ra, hiện nay một số cơ sở thẩm mỹ nha khoa thường khắc phục tình trạng răng xấu, tối màu bằng cách mài cùi răng sau đó bọc răng sứ.
Các chuyên gia cho hay việc mài cùi răng, đặc biệt mài quá sâu, thậm chí vào tủy răng sẽ tiềm ẩn một số nguy cơ như tổn thương mô răng, kích thích tủy, thay đổi khớp cắn, ảnh hưởng tổ chức nha chu…
Theo bác sĩ Phạm Thanh Hà - phó giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương, tại một số cơ sở bác sĩ thường lấy tủy răng trước khi làm răng thẩm mỹ, trong khi việc lấy tủy răng phải có chỉ định thật sự cần thiết mới làm.
Việc lạm dụng lấy tủy răng có thể gây những biến chứng sau này, ví như tình trạng viêm tủy răng, viêm quanh chóp răng, thậm chí là viêm xương hàm có những nang răng phức tạp.
"Do vậy, trước khi quyết định bọc răng sứ, bệnh nhân nên tìm hiểu rủi ro có thể xảy ra, nên chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có chuyên môn. Đồng thời, sau khi thực hiện bọc răng sứ cũng cần lưu ý giữ gìn và khám định kỳ, sàng lọc nguy cơ 6 tháng, 1 năm/lần để phòng ngừa biến chứng sau bọc răng sứ có thể xảy ra", bác sĩ Hà khuyến cáo.