Trong những trường hợp khẩn cấp như trẻ bị hóc nghẹn, co giật, ngưng thở… thì chính các phương pháp sơ cứu ban đầu sẽ đóng vai trò cứu mạng then chốt.
- "Truyền thuyết" về cho trẻ uống nước lạnh gây viêm họng theo lý giải của bác sĩ Trí Đoàn
- Mẹ phải biết: 5 quy tắc dùng điều hòa để trẻ không bị ốm trong những ngày nắng nóng
Những tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ không phải là hiếm và vẫn thường xuyên được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông như hóc dị vật, chấn thương, đuối nước, co giật, ngưng thở… Rất nhiều trường hợp đáng lẽ trẻ có thể được cứu sống nếu cha mẹ biết cách xử lý và sơ cấp cứu ngay lập tức cho trẻ.
Hướng dẫn một số cách sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp giúp cứu mạng trẻ.
1. Cách sơ cứu khi trẻ bị hóc nghẹn
Trẻ nhỏ bị hóc dị vật rất dễ tắc nghẽn đường thở, dẫn đến tử vong chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Sơ cứu đúng cách có thể ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc.
Cách sơ cứu như sau: Sau khi phát hiện trẻ bị hóc nghẹn, cha mẹ hãy ngay lập tức kiểm tra xem có thể lấy dị vật trong miệng trẻ ra được không. Tuyệt đối không dùng tay để móc vào miệng trẻ vì có thể đẩy dị vật vào sâu trong cổ họng của trẻ, khiến trẻ càng khó thở hơn.
Nếu không thể lấy dị vật ra, hãy sơ cứu bằng cách cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất và lưu ý giữ chắc cổ và đầu trẻ. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lật ngược người bé đặt nằm xuống mặt phẳng vững chắc, lấy 2 ngón tay ấn mạnh 5 cái vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức) theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp. Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại vỗ lưng và ấn ngực cho đến khi đẩy được dị vật ra hoặc xe cấp cứu tới.
2. Cách sơ cứu khi trẻ bị co giật, bất tỉnh
Khi thấy trẻ có dấu hiệu co giật, cha mẹ gọi xe cấp cứu, sau đó tiến hành sơ cứu ban đầu cho trẻ. Đặt trẻ nằm ở nơi bằng phẳng, tạo không khí thông thoáng, nới lỏng quần áo cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ. Để chăn hoặc vải mềm xung quanh vị trí của trẻ, đảm bảo đường thở của bé vẫn được thông thoáng bằng cách nhẹ nhàng dùng tay nâng cằm của trẻ lên để mở rộng đường thở. Liên tục kiểm tra mạch và hơi thở của trẻ. Khi trẻ hết cơn co giật, cha mẹ nên cho con nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi ngửa để trẻ thở dễ hơn trong lúc chờ xe cấp cứu đến.
3. Cách bế trẻ khi bị ngất, bất tỉnh
Khi trẻ bị ngất, bất tỉnh, mất nhận thức thì cha mẹ lưu ý tư thế bế đặt nghiêng trẻ sang một bên để đảm bảo an toàn và giúp bé dễ thở hơn. Khi bế cần nghiêng hẳn người trẻ sang một bên, đầu hơi hướng xuống phía dưới để mở rộng đường thở cho bé. Cần liên tục kiểm tra nhịp thở và phản ứng của trẻ trong lúc chờ xe cấp cứu đến.
4. Cách thực hiện thao tác hồi sức tim phổi CPR
Hồi sức tim phổi là tổ hợp các thao tác cấp cứu bao gồm ấn lồng ngực và hô hấp nhân tạo với mục đích đẩy lượng máu giàu oxy tới não, giúp trẻ thoát khỏi tình trang nguy kịch. Khi gặp tình huống trẻ không phản ứng, ngưng thở thì cần thực hiện thao tác hồi sức tim phổi ngay tức thì.
Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng vững chắc, nhẹ nhàng dùng tay nâng cằm trẻ lên để mở rộng đường thở. Loại bỏ dị vật có trong miệng và mũi trẻ. Sau đó kề sát miệng của bạn với miệng trẻ và bắt đầu thổi hơi, mỗi lần thổi giữ khoảng 1 giây và lặp lại 5 lần liên tục. Tiếp đó, dùng 2 ngón tay trỏ ấn vào phần giữa xương ức của trẻ 30 lần. Số lần ấn ngực đạt khoảng 100-120 lần/phút rồi thổi ngạt 2 lần. Lặp lại liên tục quá trình này cho tới khi cứu hộ đến.