Mẹ phải biết: 5 quy tắc dùng điều hòa để trẻ không bị ốm trong những ngày nắng nóng

Chăm sóc con 03/07/2018 13:15

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, điều hòa nhiệt độ là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình, đặc biệt với những nhà có trẻ sơ sinh. Vậy làm thế nào để sử dụng điều hòa mà không khiến trẻ bị ốm vì thiết bị làm mát này?

Một trong những thắc mắc phổ biến nhất đối với những người lần đầu làm cha mẹ đó là: Liệu máy làm mát, điều hòa nhiệt độ có an toàn cho bé mới sinh không? Câu trả lời là CÓ. Nhiệt độ nóng và ẩm thực sự không tốt cho trẻ sơ sinh. Không gian thoáng mát, có luồng không khí lưu thông tốt thực sự cần cho trẻ để có giấc ngủ ngon và cơ hội phát triển khỏe mạnh. Do đó, các bác sĩ nhi khuyên nên giữ trẻ trong môi trường mát và thoáng khí. Tất nhiên, bạn cũng cần đảm bảo một số quy tắc an toàn sau khi sử dụng máy làm mát và điều hòa nhiệt độ cho trẻ sơ sinh, đảm bảo căn phòng không quá lạnh để trẻ ngủ thoải mái nhất:

Mẹ phải biết: 5 quy tắc dùng điều hòa để trẻ không bị ốm trong những ngày nắng nóng - Ảnh 1

1. Đảm bảo nhiệt độ phòng thoải mái

Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, dù chỉ với sự thay đổi nhiệt độ rất nhỏ. Nhiệt độ ở mức cực đoan (quá nóng hoặc quá lạnh đều khiến trẻ không yên giấc và cảm thấy khó chịu). Để tránh những trường hợp này, hãy duy trì nhiệt độ phòng ở mức phù hợp tùy thuộc vào nhiệt độ thời tiết bên ngoài. Bác sĩ, Tiến sĩ Nhi khoa Saroja Balan (Bệnh viện Apollo Delhi, Ấn Độ) khuyến nghị duy trì nhiệt độ phòng trẻ sơ sinh từ khoảng 23 đến 27 độ C.

Các chuyên gia gợi ý đặt hẹn giờ trên điều hòa nhiệt độ trong khoảng thời gian cần thiết để làm mát phòng. Nếu điều hòa nhiệt độ nhà bạn không có bộ hẹn giờ, hãy sử dụng đồng hồ báo thức để nhắc bạn. Có thể sử dụng nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ phòng cho chuẩn xác.

2. Không để luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể bé

Trẻ sơ sinh quá nhỏ để có thể đương đầu với những luồng lạnh trực tiếp từ máy làm mát và điều hòa nhiệt độ và bé có thể bị ốm vì những luồng gió lạnh ấy. Mẹ có thể tránh những luồng không khí mát lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể bé bằng cách:

Mẹ phải biết: 5 quy tắc dùng điều hòa để trẻ không bị ốm trong những ngày nắng nóng - Ảnh 2
Chú ý không đặt bé nằm nơi có luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể (Ảnh minh họa).

- Mặc quần áo dài tay nhưng thoáng mát, đảm bảo tay, chân bé không bị tiếp xúc trực tiếp với luồng gió lạnh từ điều hòa nhiệt độ.

- Có thể cho trẻ sơ sinh đi tất cotton mỏng, thoáng trong quá trình ngủ.

- Ngoài việc lựa chọn quần áo thích hợp, bạn cũng có thể sử dụng một chiếc chăn mỏng, nhẹ để đắp cho trẻ nhưng phải đảm bảo chăn được quấn dưới người để không phủ vào mặt trẻ.

3. Giữ ẩm cho phòng bé

Điều hòa nhiệt độ có xu hướng làm giảm độ ẩm trong phòng và do đó, giảm độ ẩm trên làn da bé sơ sinh. Điều quan trọng là phải giữ ẩm cho da bé. Sử dụng kem dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh theo từng quãng thời gian thích hợp để giúp da bé mịn mượt. 

Bạn cũng có thể đặt một chậu nước nhỏ trong phòng, gần vị trí có điều hòa nhiệt độ. Việc này giúp cân bằng tình trạng không khí bị khô.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các cách dân gian để đối phó tình trạng khô da ở bé khi sử dụng máy làm mát/điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng. Cách phổ biến nhất mà nhiều cha mẹ thường làm là nhúng đầu tăm bông vào tinh dầu dành cho trẻ sơ sinh, thoa nhẹ vào lỗ mũi bé để ngừa tình trạng mũi chảy máu do niêm mạc mũi bị khô.

Mẹ phải biết: 5 quy tắc dùng điều hòa để trẻ không bị ốm trong những ngày nắng nóng - Ảnh 3
Không nên để phòng trẻ sơ sinh có nhiệt độ lạnh sâu (Ảnh minh họa).

4. Bảo dưỡng máy làm mát và điều hòa nhiệt độ định kỳ

Khi bạn có trẻ sơ sinh trong nhà, bạn nên cẩn thận hơn với mọi thứ. Việc bảo dưỡng máy làm mát và điều hòa nhiệt độ định kỳ là cực kỳ cần thiết. Do bụi bẩn và các chất độc khác bị giữ lại ở bộ lọc điều hòa nhiệt độ, chúng có thể gây hại cho bé. Tham khảo sách hướng dẫn hoặc nhân viên hãng để biết bao lâu nên làm vệ sinh thiết bị nhiệt.

5. Tránh thay đổi nhiệt đột ngột

Bất ngờ đưa bé từ phòng có nhiệt độ mát sang không gian có nhiệt độ nóng có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bé. Cách tốt nhất khi muốn đưa trẻ ra khỏi phòng đang sử dụng điều hòa nhiệt độ là tắt điều hòa nhiệt độ đi, mở cửa phòng, đợi một lúc cho bé quen với nhiệt độ bên ngoài rồi mới bước ra.

Chú ý thật kỹ tới nhu cầu của bé và đưa ra những điều chỉnh thích hợp. Đặc biệt quan tâm bé nhiều hơn nếu con bạn là trẻ sinh non. Những biện pháp phòng ngừa cơ bản này sẽ giúp bé có một môi trường thoải mái và lành mạnh để lớn nhanh hơn.

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân, cách điều trị ho cho trẻ do nằm điều hòa

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, trẻ nằm điều hòa bị ho có thể do rất nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân sẽ có một cách trị ho cho trẻ khác nhau

TIN MỚI NHẤT