Số giờ ngủ hợp lý ở trẻ sơ sinh để bé phát triển toàn diện theo hướng dẫn của chuyên gia

Chăm sóc con 03/07/2018 15:37

Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày luôn là câu hỏi thường trực của các bậc cha mẹ khi chăm con nhỏ. Không chỉ chú ý đến số giờ ngủ, trẻ còn cần được rèn khung giờ ngủ cố định và một nếp ngủ lành mạnh khi mới lọt lòng.

Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày? 

Phần lớn trẻ sơ sinh dành thời gian trong ngày để ngủ. Giấc ngủ sẽ giúp bé phát triển, hoàn thiện các hệ cơ quan. Vì vậy, mẹ cần thiết lập khung giờ ngủ cố định cho bé.

Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh – Bệnh viện Hoàng gia Worcester (Vương quốc Anh) cho biết mỗi bé có khung giờ và số giờ ngủ khác nhau. Trung bình, thời gian ngủ của bé có thể ước tính như sau:

- Trẻ sơ sinh – 1 tháng tuổi: 14 – 18 giờ/ngày kèm theo rất nhiều giấc ngủ ngắn từ 30 phút – 4 giờ. Bé có thể tự thức sau 2 tiếng hoặc ít hơn.

- Trẻ từ 2 - 6 tháng tuổi: 14 – 16 giờ/ngày; 2 – 3 giấc ngủ ngắn từ 30 phút – 3 giờ/giấc. Sau 3 tháng trẻ ngủ giấc ngắn nhiều hơn. Bé thường thức nhiều hơn vào đêm, cựa quậy nhiều từ 3 tháng tuổi, có thể lười bú hoặc chỉ bú lúc ngủ. Trẻ có thể có giấc ngủ dài hơn vào ban đêm, nhưng vẫn thức đòi bú trong đêm.

- Trẻ từ 6 – 11 tháng tuổi: 11 – 14 giờ/ngày; 2 giấc ngắn kéo dài từ 30 phút -2 giờ/giấc.

- Trẻ 12 tháng tuổi: 10 – 13 giờ/ngày; 1 – 2 giấc ngủ ngắn từ 30 phút – 2 giờ.

Số giờ ngủ hợp lý ở trẻ sơ sinh để bé phát triển toàn diện theo hướng dẫn của chuyên gia - Ảnh 1
Số giờ ngủ ở trẻ sơ sinh khác nhau theo từng giai đoạn - Ảnh minh họa: Internet

- Trẻ từ 1 - 3 tuổi: Tổng thời gian ngủ khoảng 11– 13 giờ/ngày. Trong giai đoạn 1 –1,5 tuổi trẻ sẽ có giấc ngủ ngắn ban ngày (sáng và trưa) từ 1.5 – 3 tiếng. Từ 21 tháng tuổi, trẻ có thể ngủ 2 giấc rõ rệt, mỗi giấc dưới 1,5 giờ.

- Trẻ từ 4 - 5 tuổi: Số giờ ngủ khoảng 10 – 12 giờ/ngày.

- Trẻ sau 5 tuổi: Có thể ngủ 8 tiếng ban đêm kèm 1 – 2 giấc ngủ ngắn 20 – 40 phút ban ngày.

Cách rèn luyện giấc ngủ cho trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, có sự phát triển song song giữa giấc ngủ và não bộ trẻ sơ sinh. Càng lớn, trẻ phải học cách thích ứng với mọi vấn đề xung quanh. Vì chưa biết cách sắp xếp giấc ngủ của mình, trẻ cần được cha mẹ dạy cách quản lý hiệu quả. 

Vì vậy, cha mẹ nên tạo cho trẻ nếp ngủ lành mạnh ngay từ những năm đầu đời. Để làm được điều này, cha mẹ cần chú ý: 

Số giờ ngủ hợp lý ở trẻ sơ sinh để bé phát triển toàn diện theo hướng dẫn của chuyên gia - Ảnh 2
Trẻ sơ sinh cũng cần rèn luyện khung giờ ngủ cố định - Ảnh minh họa: Internet

- Nếu trẻ khó ngủ hoặc quấy khóc trước và sau khi ngủ, cha mẹ cần tìm hiểu rõ lý do. 

- Nếu trẻ đột ngột thức dậy kèm tiếng khóc, không nên chạy đến đáp ứng trẻ bằng hoạt động bế bé lên vỗ về. Mẹ nên dừng lại một vài phút vì đôi lúc trẻ có thể ngủ trở lại dễ dàng. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh khuyên mẹ có thể làm theo các bước:

- Có mặt để trẻ cảm thấy không ở một mình.

- Vỗ về trẻ tại chỗ để trẻ không học được cách mè nheo từ tiếng khóc. 

- Khi 2 bước trên không thành công, mẹ mới phải bế trẻ trên tay hoặc đi lại quanh phòng nhằm giúp bé bình tĩnh nhưng không nên thực hiện thường xuyên. 

- Hạn chế các nguồn stress, thiết bị điện tử trước giờ ngủ 45 - 60 phút. Nên đọc sách cho bé trước giờ đi ngủ.

Làm gì khi trẻ gắt ngủ?

Thực tế nhiều trẻ cảm thấy "tiếc nuối" hoặc chưa chấp nhận việc mình phải thức dậy. Việc thức dậy vào buổi trưa sẽ khiến bé gắt ngủ, khó chịu nhiều hơn.  Để không gắt ngủ, mè nheo, mẹ có thể áp dụng một trong hai cách:

Cách 1: Lập thời gian biểu ngủ trưa để mẹ và trẻ cùng ngủ trong khoảng 20 - 30 phút. Đơn giản là dành thời gian ngủ cùng trẻ. Mẹ có thể bắt đầu thời gian ngủ bằng một bài hát hoặc câu chuyện để tạo thói quen xây dựng thời gian biểu. 

Số giờ ngủ hợp lý ở trẻ sơ sinh để bé phát triển toàn diện theo hướng dẫn của chuyên gia - Ảnh 3
Mẹ cần biết cách đánh thức và không để trẻ gắt ngủ khi thức dậy -  Ảnh minh họa: Internet

Cách 2: Nếu mẹ không ngủ cùng trẻ, hãy học cách đánh thức con đúng giờ. Giấc ngủ trưa hợp lý với trẻ có độ dài từ 30 - 40 phút. Sau thời gian này, mẹ hãy đánh thức trẻ dậy. Nếu trẻ đã lớn, mẹ hãy nhắc trẻ rằng sẽ đánh thức con sau 30 phút nữa. 

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, mẹ có thể rèn luyện nếp ngủ cho trẻ em và mọi đứa trẻ đều phải học ăn, học nói và học cả cách ngủ khoa học. 

 

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ ít và cách khắc phục

Trẻ sơ sinh ngủ ít sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển của bé. Vì vậy mẹ phải nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục, giúp bé ngủ ngon.

TIN MỚI NHẤT