Thấy con trai đi tiểu kèm máu đỏ tươi, không vón cục, không tiểu dắt, thay vì đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, gia đình tự điều trị bằng trà râu ngô và thuốc kháng sinh.
Bé N.Đ.Đ. xuất hiện tình trạng đi tiểu ra máu, tái diễn suốt 3 tháng nay. Tình trạng kéo dài nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 2 - 3 ngày. Theo mô tả của phụ huynh, nước tiểu kèm máu đỏ tươi, không vón cục, không tiểu dắt.
Trước bất thường về sức khỏe của con, thay vì đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, gia đình tự điều trị bằng trà râu ngô và thuốc kháng sinh. Sau một thời gian tự điều trị, tình trạng tiểu ra máu của trẻ có dấu hiệu đỡ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây lại tái phát với biểu hiện tương tự. Lúc này gia đình đưa trẻ tới Phòng khám Đa khoa Medlatec Thanh Xuân thăm khám. Bác sĩ tiến hành hỏi bệnh, khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng phát hiện trẻ có thói quen nhịn tiểu, thậm chí thường xuyên túm bộ phận sinh dục để nhịn tiểu.
Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán. Trong đó, kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu, hồng cầu tăng, chỉ số Nitrit dương tính.
Đặc biệt, trên hình ảnh siêu âm phát hiện thành bàng quang dày 10.2mm, trong có đám sỏi kích thước 13x5mm. Bác sĩ kết luận tình trạng của trẻ là viêm bàng quang cấp trên nền sỏi bàng quang.
Trực tiếp thăm khám và điều trị trường hợp này, ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Đa khoa Medlatec Thanh Xuân cho biết, do sự chủ quan từ phía phụ huynh khiến tình trạng viêm bàng quang của trẻ tái đi tái lại nhiều lần, là một trong yếu tố nguy cơ cao và cũng là một trong những nguyên nhân hình thành sỏi bàng quang.
"Tình trạng này nếu tiếp tục tiếp diễn mà không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ. Đây cũng là bài học mà cha mẹ cần đặc biệt rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi con", ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc cho biết.
Sau khi được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, cháu bé được kê đơn thuốc điều trị, sau 10 ngày thực hiện xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu tại nhà cho kết quả ổn định. Ngoài ra, khi toàn trạng trẻ ổn định, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát sẽ có kế hoạch điều trị sỏi bàng quan nhằm tránh nguy cơ tái phát.
Theo ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc chia sẻ, sỏi bàng quang nói chung và sỏi tiết niệu nói riêng ở trẻ em là một bệnh khá hiếm gặp. Nếu trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường như đau vùng hông lưng, tiểu máu; Trẻ dễ kích thích, quấy khóc mỗi lần đi tiểu; Tiểu khó, tiểu ngắt quãng và đi tiểu nhiều lần,... cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.