Gần một năm rưỡi tưởng như tuyệt vọng, không thể kéo con ra khỏi "vũng lầy", chị Hải Yến cuối cùng đã gặt được quả ngọt nhờ phương pháp đặc biệt của mình.
- Giáo sư Đại học Harvard chỉ ra 3 cơ hội để trẻ trở nên thông minh hơn trong đời, đừng để đến khi con học THCS thì đã muộn
- Nữ sinh nhập viện sau khi hoàn thành bài tập và mặt trái đáng sợ của câu nói mà phụ huynh nào cũng đang nói với con hằng ngày
"Đó là một ngày như bình thường, vào năm con học lớp 7", chị Lê Hải Yến (Quận Phú Nhuận, TP. HCM), mẹ của bé Gia Huy nhớ lại. Lần đó, như rất nhiều lần, con trốn nhà bỏ đi chơi game tới khuya, chị lo lắng đứng ngoài cổng chờ. Vừa tới cổng, dù mẹ gọi nhưng cậu bé chỉ ngước lên một cách vô hồn, không đáp lời mẹ. "Chính giây phút đó đã khiến tôi nhận ra, bản thân mình phải thay đổi, không mãi thế này được nữa", người mẹ 37 tuổi nói.
Từng đòn roi, quát mắng: Không tác dụng
"Gia Huy chơi game trước đó, nhưng phải đến năm lớp 6, lúc đang học nội trú ở một trường quốc tế, cháu mới thường xuyên được bạn bè trả tiền để "cày thuê", nâng cấp nhân vật trong game", chị Yến nhớ lại.
Hồi đó dù không có điện thoại nhưng cậu bé có máy tính bàn ở nhà và laptop mang đến trường. Đi học cả tuần, chỉ được về nhà mỗi cuối tuần nhưng Huy gần như xa lánh với người thân, chỉ "ôm" chiếc máy tính. Lúc nào bị cằn nhằn, cậu trốn ra quán net, nơi có bạn học cùng chơi, chỉ khi đói quá mới chịu về nhà.
Xót con, chưa có kinh nghiệm, chị Yến đã tìm đủ mọi cách từ quát mắng đến đòn roi nhưng tình trạng vẫn như cũ. Đó là những ngày căng thẳng vô cùng, thêm chuyện người xung quanh thấy con suốt ngày lao đầu vào game lại bàn tán, xì xào, rồi biết nhiều đứa trẻ nghiện game đến mức bỏ bê học hành, tâm lý ảnh hưởng đến mức tâm thần… chị Yến càng lo lắng, mệt mỏi cực độ.
Hành trình "giành" lại con từ… game
Sau buổi tối nhìn con ngơ ngác, vô hồn hôm đó, chị lao vào đọc, tìm hiểu, cả trên mạng và thực tế để kéo con về cuộc sống thực. "May sao, trong lúc hoảng loạn đó, tôi tìm được cuốn sách nói về giáo dục, nuôi dạy con trên internet và hiểu rằng chính bố mẹ cũng cần phải thay đổi. Vợ chồng tôi thống nhất với nhau sẽ không được cấm đoán mà phải có cách để con nhận thức được mức độ nguy hiểm của nghiện game", chị Yến kể.
Sau đó, chị Hải Yến đã vạch ra những việc cần làm và thực hiện từng bước 1:
Chuyển trường, chuyển nhà
Đầu tiên, chị bàn với chồng về tình trạng của con và quyết định chuyển trường, chuyển nhà. Huy học trường mới không nội trú, cũng tránh xa "bạn game" hay các quán internet.
Thời gian đầu, cậu bé thường bồn chồn, khóc lóc nhưng bố mẹ không an ủi vì "muốn con có thời gian trải nghiệm đúng cảm xúc của bản thân". Con phải đi bộ từ nhà đến trường để có cơ hội quan sát mọi thứ xung quanh, "hồi sinh" lại những cảm xúc mà từ lâu đã quên mất do chìm đắm trong thế giới của game.
Thực hiện "Cai game ngắt quãng"
Biết con chán nản, thấy "thiếu thiếu", khoảng thời gian này chị hay mời bạn bè, người thân đến nhà chơi, ăn uống. Việc "được" mọi người liên tục nhờ làm cái này cái kia khiến cậu bé bị đứt quãng mạch chơi game. Ban đầu, cậu bé tỏ ra cáu kỉnh, khó chịu, thậm chí phản ứng mạnh khi bị làm phiền. Tuy nhiên, sau mỗi lần hoàn thành công việc, nhận được lời khen của mọi người, cậu bé 14 tuổi thấy dễ chịu hơn.
Vợ chồng chị Yến còn tìm cách bí mật tự ngắt mạng wifi của nhà để con trai không thể chơi được nữa. Khi không "chữa" được, cậu bé tức giận gào thét, quăng sách vở rồi ngồi bất động trên ghế cả tiếng đồng hồ.
Những thiết bị điện tử như iPad hay laptop cũng thường xuyên ở vào tình trạng hết pin nhưng không có dây sạc hoặc có lúc bị thay mật khẩu. Tuy nhiên mọi thứ vẫn để ngay vị trí cũ để cậu bé làm quen dần với việc không đụng đến thiết bị ngay cả khi trong tầm mắt. Trong nhiều tuần sau đó, cứ đi học về, Huy lại lục tung nhà tìm kiếm dây sạc rồi hậm hực ngồi dò tìm mật khẩu, cáu gắt với tất cả mọi người.
Chị thường xuyên nhờ con làm một số việc vặt rồi liên tục khen ngợi, khích lệ. Buổi trưa đi học về, cậu bé cũng được mẹ hướng dẫn nấu cơm rửa chén bát trước khi đến giờ học chiều. Người bố cũng dành thời gian đưa con trai đi chơi, nói chuyện nhiều hơn.
Sang tuần kế tiếp, Huy không còn lùng sục tìm dây sạc máy tính, iPad nữa. Cậu tự nguyện giúp mẹ những công việc trong gia đình như nấu cơm, quét dọn. Thấy con bắt đầu thay đổi, người bố nói về việc mua điện thoại di động. "Con lớn rồi, cũng phải biết sử dụng công nghệ mới để phục vụ cho việc cá nhân chứ". Hai bố con cùng bàn nhau sẽ mua nhãn hiệu điện thoại nào và sử dụng vào mục đích gì. "Ngày bố mang về chiếc điện thoại, cháu cảm thấy vui vì được bố mẹ tin tưởng, tôn trọng", mẹ Gia Huy nói.
Yêu thương và nhẫn nại
Sau một thời gian dài quan sát con, vợ chồng chị Yến quyết định đưa mạng wifi trở lại trạng thái bình thường, dây sạc đặt lại vị trí cũ và máy tính của Huy không còn cài đặt mật khẩu. Cậu bé 14 tuổi được sử dụng lại máy tính nhưng lần này không hề động đến game. Cậu cùng em trai 9 tuổi chơi cờ, nuôi cá, thổi sáo, học đàn hay làm phim hoạt hình...
Khi được hỏi bí quyết nào để giúp con cai nghiện thành công, chị Yến trả lời: "Là tình yêu với con, thương con và làm tất cả vì con. Phải nhẫn nại, phải kiên trì và hạn chế nóng giận. Không được áp đặt sẽ gây sự ức chế cho cả chính mình và cho cả với con".
Chẳng hạn trong quá trình cai nghiện game, Huy nhiều lần cáu gắt, hậm hực với mọi người. Thay vì quát mắng, đánh con, chị học được cách kiềm chế cảm xúc, lấy ly nước lạnh đi lòng vòng hoặc ngồi im một chỗ cho cơn giận qua đi. Khi cả hai nguôi giận, chị ôm con vào lòng, kể cho Huy thời điểm khó khăn khi mới sinh ra, cha mẹ vất vả nuôi con khôn lớn và con cũng cần phải làm tốt nghĩa vụ của mình.
"Quát mắng hay cấm đoán thì dễ nhưng để nói chuyện được với con bằng cả tình yêu và sự chân thành thì không phải ai cũng làm được. Con cái cần sự tôn trọng và tin tưởng, không áp đặt theo ý muốn của cha mẹ. Đó là cả một nghệ thuật làm cha mẹ mà rất lâu tôi mới nghiệm được ra", chị Yến nói.