Cơn đau bắt đầu dồn dập, chỉ có ngước nhìn lên trần nhà xem quạt trần quay, nhìn cái đèn nhấp nháy của điều hòa thôi mà cũng vã mồ hôi hột.
- Mẹo chữa cảm đơn giản cho mẹ bầu từ những gia vị có sẵn trong góc bếp mà nhà nào cũng có
- Nước cam có phải là thức uống tốt cho bà bầu? Khi uống cần chú ý điều gì?
Làm mẹ - một “nghề” vô cùng đặc biệt đối với mỗi người phụ nữ. Mỗi lần vượt cạn là 1 lần ghi dấu những cảm xúc thiêng liêng đặc biệt. Trải qua từng giây phút chờ đợi để chào đón con yêu là khoảng thời gian nhớ mãi...
Chị Nguyễn Thu Trang ở thành phố Điện Biên Phủ cũng có một hành trình vượt cạn đầy kỉ niệm và đáng nhớ. Đọc những dòng nhật kí của chị, rất nhiều các bà mẹ khác như thấy có mình trong đó.
“Nếu như lần đầu đi đẻ chị Su với tâm trạng hứng khởi và đầy tò mò thì với em Sóc mẹ lại có chút sợ hãi.
Mẹ còn nhớ mãi, 6h sáng 5/9 đang ngủ thì bị vỡ ối. Bố mẹ hò nhau dậy, cuống cuồng gọi bác hàng xóm cùng đi, rồi gửi chị Su để vào viện.
Thời điểm đó, dịch bệnh đang căng thẳng nên người nhà không được vào nhiều. Bố mẹ làm thủ tục xong xuôi, mẹ vẫn nghĩ phải mổ vì đã bị vỡ ối trước. Sau khi thăm khám, mẹ vẫn không có dấu hiệu đau đớn gì trong khi đã mở 2 phân. Bác sĩ thăm khám cho mẹ xong nói mẹ chờ ở phòng khi nào có cơn co thì vào gặp họ. Vì chưa đau đớn gì nên mẹ vẫn rất bản lĩnh con ạ, còn chào hỏi, bắt chuyện với một cô bên cạnh. Nghĩ lại thấy buồn cười quá con ạ! Cô ấy thì đau, nhăn nhó mà mẹ thì còn “Em chờ đẻ à, cố lên nhá!”.
Mẹ lúc này vẫn rất bình tĩnh, còn bố thì mặt vẫn chưa giãn ra được chút nào. Theo kinh nghiệm truyền lại, mẹ tập mấy động tác cơ bản để Sóc của mẹ được chào đời nhanh chóng và an toàn.
Ấy thế mà tập luyện cỡ tầm tiếng thì cơn đau đẻ dồn dập bắt đầu ập tới. Mẹ còn rất bài bản, nói bố bấm giờ xem mấy phút có một cơn co. Đến khi mẹ đau quá rồi thì bố dìu mẹ vào phòng sinh.
Cái thời khắc “lọt vào vòng trong” của công cuộc đi đẻ mới thật sự bắt đầu. Căn phòng lạnh toát, có mình mẹ thôi con ạ! Cơn đau bắt đầu dồn dập, chỉ có ngước nhìn lên trần nhà xem quạt trần quay, nhìn cái đèn nhấp nháy của điều hòa thôi mà cũng vã mồ hôi hột.
Cơn đau có tính chu kì cứ từ từ - lên cao dần - lên ngưỡng đỉnh - rồi lại xuống từ từ. Đau từ vụng bụng dưới đau buốt hết sau lưng giống như vừa đau bụng đến ngày lại thêm tiêu chảy cấp mà đứng ở cửa nhà vệ sinh xoắn hết chân lại, không thể vào trong vì có người ở đó, phải chờ... đau dựng hết lỗ chân lông, chân co quắp cứng lại. Ấy thế mà khi chị hàng xóm tranh thủ vào tác nghiệp cũng vẫn "say hi" được vài tấm làm kỉ niệm để khoe với con sau này đấy, Sóc ạ!
Bác sĩ vào khám kêu mở được 5 phân rồi lại 7 phân. Kêu không được rặn, tuyệt đối cố gắng. Lúc này thì đau lắm rồi. Cứ mỗi khi cơn đau nó tới là không có thiết tha gì nữa hết.
Được lúc thì có 1 bác chờ đẻ vào. Cũng quan tâm mẹ theo kiểu mẹ vừa quan tâm cô chờ đẻ lúc đầu mẹ gặp:
- Em đẻ hay là đẻ xong rồi?- Em đang đau à? Đẻ đứa thứ mấy rồi? Bla... bla.....
Mẹ gật gật mà vã mồ hôi hột không nói thành lời với gương mặt nhăn nhó, rồi nghĩ bụng: "Nãy mình còn hỏi cái con bé kia nhiều hơn thì phải?"
Thêm một lúc nữa càng ngày càng đau, đau đến không thể tưởng được. Chỉ dám rên khẽ khẽ vì sợ mất sức. Đến lúc giới hạn chịu đựng thì không thể nhịn được cơn rặn nữa. Cứ thế rặn - rặn đến nỗi cảm thấy đầu em bé lọt sắp ra rồi mới kêu bác sĩ :
- Chị ơi!!! Cứu em với, em không thể nhịn được nữa, em bé sắp ra rồi.
Bác sĩ với mấy chị chạy ào ào vào. Nhanh chóng dùng cái gì đó rạch 1 phát đau thốn luôn và kêu “Rặn”. Đúng 2 lần thì bạn Sóc ra đời.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm 1 mũi ở đùi, cho tay vào khua khoắng trong bụng 3-4 lần, xối sát trùng vào chỗ vừa rạch. Ôi chao! Một cảm giác thật lạ, không biết phải tả như thế nào nữa, mẹ sẽ không bao giờ quên được.
Sau đó, mẹ bị ép bụng rồi tiêm để khâu. Tiêm đến đâu đau đến đấy. Khâu đến đâu biết đến đấy, nhất là những lúc thắt nút chỉ hay gì gì đó chị ấy sẽ nhấc nhấc cái chỉ lên, cứ phải gọi là mê mẩn...
Bạn Sóc thì vừa ra đời cái bác sĩ cho da tiếp da với mẹ luôn.
Bà nội với bố thì cứ thấp thỏm ngoài chờ, nghe " oe oe" mới thở phào nhẹ nhõm được.
2h sau sinh nằm phòng đẻ dài như 120p vậy. Buồn ngủ mà không dám ngủ sợ té con. Mãi đến khi bác sĩ cho về phòng nhìn chồng bế con mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau đó là rét run - tiêu chảy - căng tức sữa về - đau vết khâu - tắc tiểu - Thông tiểu... đều sẽ trải qua nếu đẻ thường. Nhưng tất cả đều xứng đáng khi có con trên cuộc đời này.
Cảm ơn chàng trai của mẹ!"