Việc chọn trường để con có nơi học tập và phát triển nhân cách là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ sợ con học tập tại các trường công lập quá căng thẳng nên có ý định cho con theo học tại các trường quốc tế. Vậy đâu mới là giải pháp thỏa đáng trong câu chuyện này?
- Phương pháp giáo dục sớm bằng âm nhạc mà vợ chồng Thanh Bùi áp dụng cho 2 con là gì?
- Thanh Bùi: "Vợ chồng tôi áp dụng giáo dục sớm cho 2 con song sinh từ 6 tháng tuổi"
Bài toán trong việc chọn trường cho con đi học
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư khôn ngoan cho tương lai. Rất nhiều bậc phụ huynh trăn trở trong việc chọn trường cho con ngay từ bậc tiểu học để tạo nền tảng tốt nhất. Thông thường, các gia đình sẽ cho con em theo học tại hệ thống các trường công lập gần nhà.
Còn những gia đình có điều kiện kinh tế khá trở lên thì có dự định cho con theo học tại hệ thống các trường quốc tế nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ và định hướng con đường du học trong tương lai.
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, chị Vũ Thu Hương (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Sau hè, con gái tôi sẽ vào lớp 1. Tôi vẫn sẽ cho con theo học tại trường tiểu học gần nhà vì thuận tiện đưa đón và học phí phù hợp với điều kiện gia đình”.
Với ý định cho con đi du học, anh Nguyễn Xuân Kha (40 tuổi, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) quyết định cho con theo học tại trường quốc tế khi chuẩn bị vào cấp THPT. Anh chia sẻ: “Con gái tôi hiện đang theo học lớp 9 tại trường công. Tôi định hướng sẽ cho cháu đi du học sau khi tốt nghiệp cấp 3. Mà muốn du học phải giỏi ngoại ngữ. Chính vì vậy, học xong lớp 9, tôi sẽ cho cháu theo học tại trường quốc tế”.
Bên cạnh điều kiện kinh tế và mục tiêu học tập, áp lực học hành khi con em mình theo học tại các hệ thống trường cũng là vấn đề được các bậc học sinh quan tâm.
Trường công và trường quốc tế khác nhau ra sao?
Là một giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy tại hai hệ thống trường công lập và trường quốc tế, cô Nguyễn Tường Vân (TP.HCM) cho biết sự khác nhau giữa hệ thống trường công lập và trường dân lập chủ yếu là chương trình học và phương pháp giảng dạy.
Ở các trường công lập, các cấp học có hệ học khác nhau: Lớp thường, lớp tăng cường và lớp học song ngữ. Để chia lớp, đầu cấp nhà trường sẽ tổ chức thi đầu vào. Các lớp thường là lớp học truyền thống từ trước đến nay. Các lớp tăng cường sẽ học tăng số tiết tiếng Anh so với lớp thường. Sau cùng, lớp song ngữ có điểm đầu vào cao nhất. Học sinh được học song song 2 giáo trình của Việt Nam và Cambridge.
Các trường công lập cấp THPT không còn hệ song ngữ, thay vào đó sẽ triển khai theo mô hình hệ tăng cường. Hiện nay, hệ thống trường công lập THPT chia cấp bậc trường theo các hệ: Trường năng khiếu, trường chuyên, trường điểm và các trường chất lượng thấp hơn tùy thuộc vào điểm đầu vào của học sinh.
Đối với hệ thống các trường quốc tế, cả 3 cấp học sinh đều học song ngữ 100%. Nhà trường sẽ tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với các kì thi tiếng Anh quốc tế.
Nói về ưu, nhược điểm của trường công lập và trường quốc tế, cô Tường Vân cho biết: “Ưu điểm là trường quốc tế có dạy năng khiếu, đàn hát và hội họa cho học sinh. Nhược điểm là học sinh quốc tế chỉ biết tiếng Anh. Ngoài ra, các em không biết gì. Học các môn văn hóa kém. Lớn lên, các em hầu như không thể tính nhẩm, không biết công thức hóa học của nước... Bên cạnh đó, nhiều học sinh trường quốc tế không có kỹ năng để cư xử với các lớp người trong xã hội; Không có ước mơ, ý thức về hiện thực xã hội, không nỗ lực và không biết học để làm gì”.
“Học sinh tại các trường công lập tuy áp lực học hành có nặng hơn nhưng môi trường học thì tuyệt. Học sinh ngoan, chỉ khoảng 1 – 10% học sinh trường công lập nghịch phá. Các em học sinh nên hiểu một điều, áp lực nhẹ thì dễ thở, không có gì xây được mà không có mồ hôi nước mắt. Khi trưởng thành, đa phần học sinh quốc tế không thể đậu đại học ở Việt Nam. Định hướng đi du học gần như 100% tự túc và vào những trường chất lượng không cao. Còn học sinh trường công thì khoảng 30% đi du học và hơn 70% trong số các em đi du học bằng con đường học bổng và vào các trường hàng đầu”, cô Vân chia sẻ.
Cô Hồ Thị Kim Thư, giáo viện dạy tại một trường THCS quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Ưu điểm của trường công lập là học phí rẻ, học sinh có cơ hội lăn lộn và tự lập. Tính chất cạnh tranh học tập cũng cao hơn. Tỉ lệ đậu đại học cũng cao hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của các trường công nói chung là sĩ số lớp quá đông, thầy cô không có nhiều phương pháp tích cực để đan xen, sự quan tâm đều đến tất cả học sinh là hạn chế. Còn các trường quốc tế lại mạnh về hoạt động ngoại khóa. Học sinh sẽ được học nhiều về kỹ năng mềm và bản năng sinh tồn”.
Nên cho con học trường công hay trường quốc tế?
Câu trả lời tùy thuộc vào định hướng phát triển của con và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Áp lực học hành, thi cử trong 12 năm học ở học sinh là điều không thể tránh khỏi. Lúc này, các bậc cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc dành thời gian, quan tâm chăm sóc con. Nếu áp lực học hành là vấn đề phụ huynh quan tâm thì cần biết cách giảm tải cho con.
“Giáo dục nuôi nấng một đứa trẻ phải tốn thời gian và công sức. Nếu muốn con không bị áp lực học hành, cha mẹ phải trung thực, không hão huyền vào năng lực của con, không chạy theo thành tích. Vì vậy, khẩn thiết mong các bậc phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra tập vở và bài học của con cái. Không chạy theo điểm số, yêu cầu con dừng lại khi thấy dấu hiệu thuộc lòng và chép lại” – cô Tường Vân cho biết.
Cùng quan điểm về việc không tạo quá nhiều áp lực học hành cho con, cô Kim Thư chia sẻ: “Học hành tất nhiên có áp lực nhưng cần có biện pháp chứ không phải phản giáo dục. Bố mẹ nên tác động, tạo cho con sự thoải mái, cố gắng đồng hành cùng con trong mỗi buổi học ở nhà. Từ đó định hướng rèn ý thức tự giác cho học sinh tự học là tốt nhất”.
Trao đổi về áp lực học hành, thi cử của học sinh hiện nay, Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lí học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: "Học trường quốc tế cũng là một giải pháp giảm áp lực cho học sinh vì chương trình không theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, những đứa trẻ học trường quốc tế toàn bộ không thi được các trường đại học tại Việt Nam. Theo tôi vẫn có ưu điểm, về phát triển cá nhân ở môi trường này tốt hơn".
"Tại Việt Nam, văn hóa truyền thống học để thi cử nên không tránh khỏi việc học sinh áp lực học hành ngay từ nhỏ. Phải để cho đứa trẻ sống hạnh phúc, vô tư hồn nhiên theo quyền của nó. Đừng nghĩ rằng kiến thức là quan trọng. Kiến thức có thể quên, việc dạy kỹ năng làm người, văn hóa ứng xử mới là điều quan trọng. Đừng cướp mất niềm hạnh phúc khi cố tình tạo áp lực cho con. Cha mẹ chỉ nên đồng hành và chia sẻ cùng con, không bắt buộc trẻ phải học tập theo ý mình", tiến sĩ Ngô Xuân Điệp chia sẻ.