Chính nhờ tình yêu thương kết hợp với cách dạy con nghiêm khắc, trong đó có nguyên tắc cấm con xem tivi cho đến năm 3 tuổi, mẹ Nhật này đã giúp cho 4 con đậu vào trường Đại học Tokyo danh tiếng.
- Dạy con 7 bài học bổ ích này, bố mẹ đã giúp “khai sáng” và định sẵn đường thành công cho con đi
- Mẹ Việt gợi ý cách dạy con vâng lời chỉ sau một lần nhắc nhở
Ryoko Sato là một bà nội trợ hiện đang sống ở tỉnh Nara cùng với 4 người con (3 trai 1 gái). Bà được mọi người biết đến là mẹ Nhật đã giáo dục cả 4 người con đậu vào Đại học Tokyo, có biệt danh là "Mẹ Sato". Bà cũng đã xuất bản một cuốn sách chia sẻ về cách giáo dục đặc biệt của mình.
Ryoko Sato tốt nghiệp Đại học Tsuda và đã từng có quãng thời gian 2 năm làm giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường trung học tư thục. Chồng của bà là ông Masato, một luật sư danh tiếng từng học tại khoa Luật, Đại học Tokyo.
Ba người con trai đầu là Masayori Sato (1991), Rika Sato (1993), Kazuaki Sato (1995), người con gái út tên là Mako Sato (1998). Tất cả đều đậu vào trường Đại học Tokyo (Todai), ngành Y cao cấp.
Vậy bí quyết dạy con của bà mẹ này là gì?
Quản lý thời gian biểu sát sao của con
Ryoko Sato cho rằng điều quan trọng nhất không phải đi học đầy đủ, lắng nghe thầy cô giáo giảng bài mà còn phải làm bài tập về nhà đầy đủ. Vì chỉ có khi làm bài tập nghiêm túc, bọn trẻ mới cảm thấy nhà trường và việc học thật sự quan trọng.
Khi bọn trẻ ở nhà, Ryoko Sato giám sát nghiêm ngặt 3 việc: Một là, kiểm tra bài tập về nhà có chấm điểm, hai là cùng nhau xem lại các bài kiểm tra, ba là quản lý lịch học. Suốt 6 năm học tiểu học, bọn trẻ đều được rèn luyện theo khuôn khổ nghiêm túc như vậy.
Ngoài ra, Ryoko Sato đã bắt đầu dạy bọn trẻ học toán và chữ quốc ngữ ngay từ lúc 1 tuổi, đến năm thứ 4 của bậc tiểu học, chúng sẽ được gửi vào trường luyện thi Hama Gakuen để học các môn khoa học và xã hội.
Kế hoạch học tập diễn ra khá hoàn hảo và Ryoko Sato tiếp tục áp dụng cho các kỳ thi tuyển sinh Trung học cơ sở, tuyển sinh Đại học. Trong khi các bà mẹ khác lo lắng không muốn con cái học quá nhiều, quá sớm thì bọn trẻ nhà mẹ Nhật này coi việc đó là bình thường. Cả 4 người con đều thông thạo khoa học xã hội, ngôn ngữ… ngay từ rất sớm vì chúng mỗi ngày đều được mẹ đọc cho nghe. Nếu gặp những thứ khó hiểu ví dụ như một sự việc gì đó trên thế giới đang xảy ra mà bọn trẻ không hiểu, bà sẽ đưa ra những bình luận, khơi gợi trí tò mò để chúng tự khám phá và tìm hiểu.
Trước kỳ thi tuyển sinh Đại học, Ryoko Sato sẽ lập ra một bảng thời gian biểu cụ thể. Bà muốn tất cả đều ý thức được thời gian và kỹ năng phân chia thời gian học tập sao cho hợp lý nhất.
Có thể học ở bất cứ nơi nào trẻ thích
Ryoko Sato cho rằng việc học phải thật sự thoải mái, nó không nhất thiết phải diễn ra trong phòng học mà là bất cứ nơi nào bọn trẻ thấy thích là được. Đó có là phòng khách, phòng tắm, nhà bếp, trên bàn ăn, trên sàn… thậm chí vừa ăn vừa học cũng không có vấn đề gì cả.
Bà cũng khẳng định rằng việc dạy những đứa trẻ có trình độ học vấn còn yếu không phải là một chuyện quá khó khăn. Chúng ta chỉ cần đưa cho bọn trẻ lộ trình học, cột mốc tham gia các kỳ thi, giới hạn thời gian học. Nhưng khi trở thành sinh viên Đại học, mọi thứ trở nên tự do, sẽ không còn quy tắc này được thiết lập, điều này sẽ khiến cho nhiều người trở nên mất phương hướng, dễ sa sút phong độ học tập.
Ryoko Sato cũng nói về mối quan hệ giữa con người với nhau, và với bọn trẻ đó chính là tình bạn. Đặc biệt trong giai đoạn cuối của học kỳ, tình yêu chính là một sự lãng phí thời gian. Khi con trai của bà được mời đến ăn tối tại nhà một người bạn, bà đã bảo với con trai mình hãy từ chối. Mặc dù điều này có thể khiến cho con trai mình khó chịu, nhưng điều quan trọng là bà biết được điều gì là cần thiết nhất vào thời gian này.
Cấm con xem tivi cho tới năm 3 tuổi
Chồng của Ryoko Sato chia sẻ rằng bản thân rất tin tưởng vào cách dạy con của vợ mình. Chỉ có người mẹ mới là người hiểu rõ đâu là điều tốt nhất mà con cái của mình cần. Trong những năm tháng đầu đời của trẻ, thời gian ở bên người mẹ luôn là điều ưu tiên nhất.
Việc dạy dỗ của Ryoko Sato không bị gián đoạn dù là lúc đang mang thai. Vì không đi ra ngoài nên mỗi ngày bà thường đọc 10 cuốn sách, hát 10 bài hát và tuyệt nhiên không cho bọn trẻ xem tivi.
Bên cạnh đó, cũng có một số quy tắc trong ngôi nhà Ryoko Sato. Bố mẹ không được la mắng con cái, anh chị em không được cãi nhau, không được gọi là "Anh ơi". Tivi được đặt trên tầng 2 mà không được đặt ở phòng khách...
"Bọn trẻ không được phép xem tivi cho tới năm 3 tuổi và suốt những năm tháng đầu đời này, tôi đã đọc cho chúng nghe 10.000 cuốn sách, hát 10.000 giai điệu. Tôi tin rằng khả năng ngôn ngữ sẽ được kết nối trực tiếp với sức mạnh của suy nghĩ", Ryoko Sato chia sẻ.
Những bài học, những phương pháp học tập đúng đắn, khoa học được Ryoko Sato thực hiện liên tục trong suốt 6 năm tiểu học. Để làm được điều này có thể thấy tất cả là nhờ vào sự quyết tâm mạnh mẽ từ phía người mẹ.
Ryoko Sato nói rằng mình muốn chăm sóc bọn trẻ đến năm 18 tuổi, bọn trẻ sẽ được học cùng nhau và bà sẽ là người dẫn dắt chúng. Nếu trẻ cảm thấy niềm vui trong học tập, hãy tạo mọi điều kiện để trẻ phát huy hết khả năng của mình. Với nhiều đứa trẻ khác có thể vui sướng khi nhận được một món đồ chơi mới, nhưng với những đứa trẻ nhà Ryoko Sato thì đó lại là kiến thức.
Cũng có nhiều người nhận xét rằng phương pháp dạy học của bà khá cực đoan, nhưng không ai có thể phủ nhận được những mặt tích cực và thành quả của 4 đứa trẻ. "Người mẹ này đã đi quá giới hạn của mình, chắc hẳn con cái của bà ta đã phải cảm thấy ngạt thở trước cách quản lý của mẹ mình". Một vài người khác thì nói rằng: "Trên thế giới có rất nhiều cách dạy khác nhau, và mẹ Sato chỉ là một trong số đó. Điều chúng ta không thể phủ nhận rằng cách dạy dỗ con cái này đã giúp cho những đứa con của Ryoko Sato đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ. Chúng ta nên biết ơn khi nhận được sự chia sẻ từ Ryoko Sato". Hoặc một người khác cũng bày tỏ: "Những đứa trẻ có quyền tự hào về những thành quả mà mình đã cố gắng, nhưng đừng tự mãn là được".
Lời cuối cùng Ryoko Sato muốn chia sẻ là các bà mẹ không thể nào thực hành ngay lập tức một phương pháp nuôi dạy con được. Mọi thứ đều cần thời gian để chuẩn bị, hầu hết trẻ em đều không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn nghe lời.