Tôi từng đọc các bài viết về giáo dục Nhật trên báo chí nhưng đến lúc trực tiếp được học hỏi từ các thầy hiệu trưởng, các cô giáo ở các trường mầm non Nhật Bản thì càng thấy ngưỡng mộ họ.
- 10 nguyên tắc dạy con thành tài của người Do Thái
- Nuôi dạy con thông minh ngay từ trong bụng mẹ như người Do Thái
Cách đây ít lâu tôi dự một khóa học hai tuần dành cho giáo viên, quản lý, hiệu trưởng các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội. Khóa học được kết hợp giữa một trường mẫu giáo lớn của Nhật Bản với Trung tâm phát triển hợp tác Việt Nhật - Đại học Hà Nội tổ chức. Rất nhiều hiệu trưởng các trường mầm non, chuyên gia dinh dưỡng, giáo sư ở trường đại học Nhật đã sang Việt Nam trực tiếp chia sẻ và giới thiệu về giáo dục trẻ em ở Nhật.
Giờ ăn ở trường mầm non: Ăn kiểu gì cũng được, miễn là tự ăn
Tôi đã nghe nói nhiều về giờ ăn của trẻ em Nhật Bản, nhưng khi thầy Masumoto Yuichi - hiệu trưởng trường mầm non Tsuzuki-fureai-no-oka cho chúng tôi xem video về hình ảnh thực tế trong giờ ăn của trường thầy, chúng tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên.
Trừ những em bé chừng 3-6 tháng còn lại tất cả đều tự ăn và ăn theo cách của riêng mình. Góc này một em bé chừng 9 tháng đang bốc ăn ngon lành, còn ở chỗ khác, một bé chừng hơn 1 tuổi đang nỗ lực cho cơm vào miệng bằng cả dĩa và thìa cùng một lúc. Cứ như thế, bé cho hết miếng này đến miếng khác vào miệng, do dù mỗi miếng không được nhiều. Điều đáng ngạc nhiên là không một thầy cô giáo nào lại gần bé, nhắc bé lấy thìa xúc ăn.
Thầy Masumoto cho biết giáo viên ở Nhật sẽ không nhắc nhở cô bé trên cũng như không can thiệp vào việc bé sẽ ăn như thế nào. Bằng cách nào đó, bé cũng sẽ bốc được đồ ăn vào miệng, và sớm hay muộn bé sẽ học được cách dùng thìa và dĩa khi nhìn thấy những anh chị lớn và người xung quanh ăn theo cách như vậy.
Với các anh chị lớn hơn, chừng 3 tuổi trở lên, các em không ngồi yên trên bàn chờ một suất ăn đầy đủ được đặt trước mặt, các bé cầm khay và lấy các bát cơm, thức ăn, rau cho vào khay rồi bưng về chỗ của mình. Ăn xong, các em lại bưng khay và cho từng loại bát trên về đúng chồng của nó, đổ đồ ăn thừa vào xô có rổ lọc phía trên, tự đổ đồ uống từ chai ra cốc…
Giáo viên gần như không làm gì, để trẻ tự học hỏi từ môi trường
Ở trường của thầy giáo Mizoguchi Yoshiro – hiệu trưởng trường mầm non Woody Kids, trẻ em không chỉ tự lập trong giờ ăn mà còn tham gia vào quá trình đưa ra quyết định "hôm nay ăn gì" và cùng làm bữa trưa cho cả trường.
Thầy Mizoguchi cho chúng tôi xem video học sinh trường thầy cùng làm mỳ udon. Món mỳ tươi này được làm từ bột mỳ, bắt đầu từ khâu trộn, nhào bột, sau đó cán mỏng, thái sợi và cuối cùng là nấu. Học sinh tự phân công nhau xem mình tham gia vào khâu nào, sau đó là một cảnh tượng vô cùng ấm áp và vui vẻ như một gia đình đông con: cả cô cả trò ngồi xung quanh một cái bàn lớn, nhóm thì nhào, nhóm thái sợi, các em bé bé xíu chừng 7 tháng - 1 tuổi thì ngồi dùng cán gỗ cán bột… Thầy Mizoguchi chỉ vào cảnh em bé và nói: Em bé hiểu rằng cái này làm thì ăn được, em chưa biết cán bột giỏi nhưng liên tục quan sát xung quanh để thăm dò cách mọi người làm.
Phía bên ngoài, một nhóm 3 học sinh đang bỏ từng vắt mỳ vào nồi nước đang sôi trên bếp lửa đỏ rừng rực. Các em tự phán là nồi hơi ít nước nên một em chạy đi lấy thêm nước đổ vào nồi.
Ngôi trường mà thầy Mizoguchi làm hiệu trưởng chỉ có 40 học sinh, trộn các độ tuổi lớn nhỏ, theo đuổi một mô hình giáo dục không quá phổ biến ở Nhật Bản: mô hình tạo dựng môi trường, nghĩa là học sinh được tiếp xúc tự do với môi trường, học hỏi từ môi trường chứ không có sự can thiệp, hướng dẫn từ phía người lớn. Để dẫn chứng cho điều này, thầy Mizoguchi cho chúng tôi xem đoạn video một em bé tuổi lẫm chẫm tập đi đang ngậm kéo. Cô giáo ngồi ngay cạnh nhưng không nói gì, sau đó một anh chị lớn đi lại đã cất cái kéo của em bé đi.
Cũng em bé đó trong cảnh quay gần 1 năm sau, lúc này bé đang loay hoay dùng kéo cắt một đoạn băng dính, và sau nữa dùng kéo thành thạo lúc bé 2,5 tuổi. Toàn bộ quá trình này hoàn toàn do bé quan sát, học hỏi từ các anh chị lớn trong trường và hoạt động hàng ngày, không hề có sự hướng dẫn hay chỉ bảo gì của người lớn.
Dạy trẻ tính chủ động, để trẻ tự có hành động mà không phải do giáo viên chỉ đạo và yêu cầu là định hướng giáo dục với tất cả cơ sở mầm non toàn Nhật Bản chứ không chỉ ở những trường theo phương pháp giáo dục tự do như trường thầy Mizoguchi.
Hãy để học sinh là trung tâm chứ không phải thầy cô hay bố mẹ
Trong một buổi biểu diễn văn nghệ ở trường mầm non Tsuzuki-fureai-no-oka Yuichi, trên bục sân khấu ngoài trời, không có trang hoàng gì đặc biệt, một nhóm học sinh 4-5 tuổi đang biểu diễn bài hát trong những chiếc váy do các em tự trang trí, cắt dán từ túi bóng màu hồng.
Ngoài sự tự tin, sôi động của tiết mục, điều đáng nói là nhóm học sinh này đã tự mình đưa ra quyết định về tiết mục biểu diễn, tự sắp xếp luyện tập cùng nhau, tự đưa ra ý tưởng trang phục và làm trang phục. Thầy cô giáo không chỉ định tiết mục, cũng không tập luyện cho học sinh, đi thuê trang phục… làm tất tật mọi việc và học sinh chỉ nghe theo như ở Việt Nam.
Khi đi ăn trưa cùng thầy ở gần trường Đại học Hà Nội, tôi chia sẻ với thầy Masumoto những hình ảnh tìm kiếm từ google về biểu diễn văn nghệ ở Việt Nam, rằng phần lớn cha mẹ Việt vẫn thích con mình ăn mặc lộng lẫy, biểu diễn trên sân khấu hoàng tráng, các tiết mục được thực hiện nhuần nhuyễn, do vậy rất nhiều trường mầm non ở trong cuộc chạy đua làm sao sự kiện hoành tráng và biểu diễn chuyên nghiệp. Để đạt được điều này thì không có cơ hội, thời gian và không sẵn sàng cho rủi ro của việc học sinh tự mình luyện tập, dù điều mà giáo dục Nhật hướng đến thật tuyệt vời.
Thầy Masumoto tròn mắt nhìn những hình ảnh tôi chia sẻ và nói rằng: Hãy để học sinh là trung tâm chứ không phải thầy cô hay bố mẹ!
Lúc bé càng cãi nhau nhiều, lớn lên trẻ càng có kỹ năng giải quyết vấn đề
Trong phần chia sẻ về môi trường và mối quan hệ cá nhân của trẻ ở trường mầm non, thầy Masumoto Yuichi cho chúng tôi xem một đoạn video hai em học sinh 5 tuổi cãi nhau ở khu vực thay quần áo vào giờ ngủ trưa của các bạn. Cả hai em đều gân cổ lên cãi cho bằng được, mặt đỏ ửng lên, sau đó tự làm hòa với nhau. Thầy Masumoto cho biết khi trẻ gặp mâu thuẫn và cãi nhau, đây là lúc trẻ hình thành và học hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi trẻ em mâu thuẫn, bố mẹ và thầy cô không cần lo lắng nhiều, không can thiệp mà để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình. Khi làm như vậy, trẻ em mới học được cách đứng trên lập trường người khác, hiểu và đồng cảm với tâm trạng của bạn mình, từ đó tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho cả hai bên.
Nếu như người lớn can thiệp thì sự việc đó do người lớn giải quyết chứ không phải trẻ nữa, trẻ em cần phải biết tự xử lý việc nhỏ thì sau này mới có thể giải quyết các việc lớn hơn là quan điểm của các nhà giáo dục mầm non Nhật.
Trong lớp học ở trường thầy Masumoto cũng như nhiều trường mầm non Nhật, khi bố trí các góc hoạt động trong lớp học đã cố tình bố trí ít đồ hơn để các bạn học cách giải quyết vấn đề. Chẳng hạn ở góc thủ công chỉ có 5 cái kéo mà có 8 bạn muốn chơi cùng lúc, các bạn phải thương lượng với nhau để cả nhóm đều có được thứ mình cần.
"Trẻ con như thế nào không thể hiểu hết được đâu!"
Một trong những ấn tượng lớn nhất của các thầy cô giáo, quản lý mầm non ở Việt Nam về các thầy cô giáo mầm non ở Nhật Bản có lẽ là tình yêu thương, sự tôn trọng, lúc nào cũng nhẹ nhàng với học sinh, họ giống như những nhà tâm lý trong lớp học khi lặng lẽ quan sát trẻ, hiểu về sự phát triển của trẻ, quan tâm đến tính cách riêng của từng bạn…
Thầy Masumoto Yuichi cầm một lon nước và xoay một vòng cho cả lớp học xem, và nói: Đứa trẻ giống như lon nước, nhìn từ mỗi góc lại thấy những thông tin khác nhau, mỗi người nhìn vào lại thấy những khía cạnh khác nhau, do vậy phải nhìn từ nhiều chiều, nhiều hoàn cảnh và tìm hiểu theo nhiều cách mới có thể hiểu được trẻ và tạo ra môi trường phù hợp.
Thầy Mizoguchi Yoshiro thì dẫn câu nói của một cô giáo mầm non 40 năm kinh nghiệm: "Trẻ con như thế không hiểu hết được đâu". Dù đã dành nửa cuộc đời mình để làm giáo viên và hiệu trưởng trường mầm non trong nửa cuộc đời mình thì cô giáo kể trên vẫn tâm niệm rằng hàng ngày phải tìm cách để hiểu hơn tâm tư của trẻ nhỏ. Thầy Mizoguchi tâm niệm rằng sách vở, nghiên cứu là một kênh thông tin, ở cùng cách con hàng ngày để hiểu các con và tìm ra cách tốt nhất chứ không có công thức chung để nuôi dạy trẻ. Không có cái gì tuyệt đối A là A, B là B trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
Hãy tận hưởng cuộc sống cùng trẻ!
"Điều quan trọng nhất cho sự phát triển của trẻ là "liệu trẻ có cảm thấy thoải mái hay không". Hãy để trẻ "tận hưởng cuộc sống cùng chúng ta", chứ không phải "bắt chúng làm gì đó". Quan điểm trên có lẽ không phải là mới, nhưng điều đáng nói là nó được dẫn trong cuốn sách Định hướng giáo dục mầm non ở cơ sở giáo dục mầm non, tương tự Quy chế nuôi dạy trẻ mầm non ở Việt Nam.
Cô giáo Kotani Emiko - đã từng là giáo viên mầm non trong 20 năm, hiện là giảng viên thỉnh giảng trường Đại học quốc tế Hagoromo - trao đổi với chúng tôi điều đó khi giới thiệu về các nguyên tắc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Cô cho cả lớp xem cuốn cẩm nang này – cuốn sách nhỏ nhưng đầy những thông tin quan trọng, bởi thế mà được dán đầy mảnh giấy nhớ nhỏ nhiều màu để mỗi lần băn khoăn, cô lại giở ra xem lại.
Những dòng đầu của cuốn sách ghi rõ: Mỗi đứa trẻ chỉ có thể tự mình bước đi an nhiên trên con đường đời khi nó được "sống vui vẻ thoải mái" và được "yêu thương", được "bảo vệ" ngay trong thời kỳ đầu tiên của cuộc đời: giai đoạn từ 0-6 tuổi. Người lớn cần tôn trọng cảm xúc, bảo vệ và thừa nhận trẻ. Điều này giúp trẻ có thể phát huy hết cái tôi, dần tin tưởng vào những người xung quanh và chúng cảm nhận được rằng "mình quan trọng với những người xung quanh". Nhờ đó, trẻ dần biết yêu thương bản thân và người khác.
Không chỉ bố mẹ, các cô giáo mầm non Nhật cũng được khuyến khích "hãy làm cho trẻ vui vẻ khi ở bên mình", "hãy xây dựng mối quan hệ với trẻ mà ở đó trẻ thấy hạnh phúc mỗi khi được ở bên".