Mẹ có biết, những thói quen tốt bé thực hiện mỗi ngày góp phấn quan trọng trong việc phát triển con người, trí tuệ của trẻ. Có 5 việc mẹ nên duy trì cho con mỗi ngày.
- Dấu hiệu cảnh báo trầm cảm ở trẻ nhỏ mà bố mẹ cần lưu ý, tuyệt đối không chủ quan
- 3 lý do khiến mẹ và bé có 'thần giao cách cảm', con có thể nhận ra mẹ trong 'nháy mắt'
1. Dậy sớm và ngủ sớm
Rất nhiều bé có thói quen thức khuya, dậy muộn. Có khi 11, 12 giờ đêm mới ngủ và 9, 10 giờ sáng hôm sau mới dậy, đây không phải là thói quen tốt. Mẹ hãy rèn cho con đi ngủ sớm. Khi trẻ ngủ đủ giấc sẽ tự động dậy sớm. Ngoài ra, trẻ ngủ đủ giấc giúp trí não được nghỉ ngơi và phát triển nhanh chóng.
Các nghiên cứu đã khẳng định rằng trẻ nhỏ phát triển nhanh nhất trong khi ngủ. Do đó, bé càng nhỏ, càng phải ngủ đủ giấc, ngủ sớm. Giấc ngủ sẽ làm tăng sự phát triển của tế bào não. Tế bào não càng phát triển, trí thông minh của trẻ càng cao trong tương lai.
2. Ăn ít và ăn nhiều bữa
Bé ăn quá no một lúc sẽ tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, khiến toàn bộ máu trong cơ thể sẽ chảy đến dạ dày. Lúc này, lượng máu cung cấp cho não sẽ giảm, khiến trẻ buồn ngủ, mệt mỏi. Vì vậy, mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều và quá no, hãy cho bé ăn ít và ăn thành nhiều bữa.
3. Ăn sáng đều đặn
Đối với bất cứ đối tượng nào, bữa sáng cũng là bữa quan trọng nhất. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, bữa sáng càng cần được lưu ý.
Sau một đêm dài, dạ dày của bé trống rỗng. Bữa sáng có thể cung cấp dinh dưỡng cho bé cho cả buổi sáng và nhất là não cũng cần dinh dưỡng. Nếu bé không ăn sáng, lượng đường trong máu của bé sẽ bị giảm, cơ thể mệt mỏi, dẫn đến hoạt động trí não không linh hoạt.
4. Không ăn hoặc ăn ít đồ ngọt
Trẻ con rất thích ăn đồ ngọt, thậm chí có thể ăn bánh kẹo, hoa quả ngọt mà không tha thiết gì cơm cháo. Tuy nhiên, trẻ ăn nhiều đồ ngọt chỉ gây ra tác hại mà hoàn toàn không có ích lợi gì.
Đồ ngọt có thể cung cấp rất nhiều đường nhưng lượng calo và dinh dưỡng không đầy đủ. Ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ gây ra thèm ăn, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến phát triển trí não và sự phát triển thể chất của trẻ.
5. Trò chuyện với bé và kể chuyện
Mẹ có biết rằng, trẻ luôn có nhu cầu được trò chuyện. Ngay từ khi trẻ nói chữa sõi, con đã bi bô, ê a. Tới khi con nói vững, có đủ vốn từ vựng, trẻ sẽ líu lo nói chuyện cả ngày.
Mẹ đừng thấy như vậy là phiền phức, trò chuyện sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho con. Trước hết là giúp mẹ con gắn bó, sau đó là cải thiện vốn từ, khả năng diễn đạt và hiểu biết của con.
Mẹ hãy lắng nghe những lời nói từ trẻ và kiên nhẫn giảng giải để bé hiểu ra. Trẻ càng nói nhiều, hỏi nhiều thì lớn lên càng thông minh, nhanh nhẹn.