Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng cần xem xét hành vi "giết người" trong vụ tài xế điều khiển xe Audi trong tình trạng quá chén, tông chết 3 người đi xe máy trên đường.
- Nhân chứng bật khóc kể lại vụ lái xe Audi tông tử vong 3 người tại Bắc Giang: 'Quá khủng khiếp! Tiếng nổ chói tai như sét'
- Hé lộ đoạn camera an ninh vụ tài xế lái xe Audi tông tử vong 3 người trong một gia đình
Liên quan đến vụ lái xe Audi tông chết 3 người, dẫn tin từ báo Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi sử dụng rượu bia nói riêng và chất kích thích nói chung khi điều khiển ô tô gây hậu quả nghiêm trọng cần phải tăng chế tài mới đủ sức răn đe, phòng ngừa ngay từ ban đầu chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý.
Luật sư Thơm chia sẻ: "Thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng chủ yếu là do ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của còn kém, coi thường tính mạng bản thân và người khác, trong đó có nguyên nhân do người lái xe sử dụng rượu bia, ma túy hay chất kích thích khác gây ra gây phẫn nộ trong dư luận xã hội, đòi hỏi phải có chế tài xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa tội phạm".
Đồng thời, luật sư Thơm cũng cho biết, theo quy định hiện hành, việc xử lý lái xe ô tô sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác gây hậu quả nghiêm trọng được xếp vào nhóm tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông với lỗi vô ý (Điều 260 Bộ luật Hình sự). Do đó, hình phạt cao nhất của nhóm tội phạm này cao nhất không quá 15 năm nên chế tài xử lý hình sự này chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Bên cạnh đó, pháp luật buộc công dân phải nhận thức được khi đưa vào cơ thể mình rượu bia hay chất kích thích mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, thấy trước được hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả.
Trong trường hợp này, lỗi của người vi phạm thuộc lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm đến đó. Cụ thể, nếu gây chết người sẽ phải chịu trách nhiệm về tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật hình sự hoặc hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì phải chịu trách nhiệm về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, theo Zing đưa tin, Nguyễn Đức Thịnh điều khiển xe Audi lưu thông trên đường Hoàng Văn Thụ hướng đi Ngô Văn Cảnh. Tới khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, xe này va chạm với xe máy do ông Nguyễn Mạnh Hưng (sinh năm 1974, ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang) cầm lái chở theo vợ và con gái. Vụ tai nạn khiến 3 người trên xe máy tử vong tại chỗ.
Làm việc với Công an thành phố Bắc Giang, tài xế Nguyễn Đức Thịnh (trú phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang) thừa nhận đã quá chén với bạn bè trong buổi tiệc chia tay dẫn đến tai nạn chết 3 người vào đêm 2/6. Sau khi rời buổi tiệc, anh đã tiếp tục đi hát karaoke. Khoảng hơn 23h, Thịnh lái ôtô Audi trên đường Hoàng Văn Thụ hướng đi Ngô Văn Cảnh. Tới khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ thì xảy ra va chạm.