Tung tin “trọng án” trên mạng gây khó cơ quan điều tra

Xã hội 22/07/2018 06:46

Những vụ TNGT nhưng được đồn thổi trên mạng xã hội lên là những vụ án mạng dã man, ly kỳ không chỉ gây hoang mang trong dư luận xã hội mà còn gây áp lực, khó khăn cho công tác điều tra...

Tung tin “trọng án” trên mạng gây khó cơ quan điều tra - Ảnh 1

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường hai nữ sinh tử vong ở Hưng Yên

 Tin dân mạng, mang quan tài diễu phố

Tối 19/6, cộng đồng mạng xôn xao khi facebooker P.T.Đ. livestream về một vụ trọng án khiến hai nữ sinh tử vong với vết cắt cổ ngay tại cầu vượt Yên Phú, giao cắt QL5B thuộc địa xã Hoàn Long (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tài khoản này thông tin: “Có 3 em tầm 15 - 16 tuổi đi ăn sinh nhật cùng nhau, 2 người bị chém vào cổ tử vong tại chỗ còn một người chạy được…”.

Đoạn livestream được chia sẻ chóng mặt vì câu chuyện hai nữ sinh bị chém đứt cổ do trả thù mâu thuẫn cá nhân quá tàn nhẫn. Theo facebooker P.T.Đ., ngoài hai nữ sinh tử vong, còn một cô bé tên Phương A., SN 2003 đi cùng nhưng trốn thoát. Cộng đồng mạng còn “tìm ra” được trang facebook của người đã có mâu thuẫn với Phương A. và cho rằng, chính người này chặn đường và giết hại hai nữ sinh nói trên.

Ngay đêm xảy ra vụ việc, Công an huyện Yên Mỹ đã nhanh chóng có mặt, trắng đêm khám nghiệm hiện trường, thu thập thông tin. Với tinh thần điều tra kỹ càng, sớm tìm ra nguyên nhân gây nên cái chết thương tâm cho hai nữ sinh, ngay buổi sáng ngày hôm sau, dưới tiết trời trên 40 độ C, lực lượng chức năng tiếp tục khám nghiệm bổ sung và dựng lại hiện trường. Danh tính hai nữ sinh tử vong là Nguyễn Thị Trà (SN 2006, ở xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ), Lê Thị Ngọc (SN 2004, ở xã Hoàn Long, huỵện Yên Mỹ). Phần cổ và chân tay của các nạn nhân có vết rách xước. Hai người đều nằm úp cách nhau chừng 30m, ngay bên vệ đường có hộ lan giao thông, cạnh đó là chiếc xe máy. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, hai nữ sinh có sử dụng rượu bia trước khi lái xe và tử vong. Kết quả này cũng trùng khớp với xét nghiệm mẫu máu của hai tử thi đều có chất kích thích.

Trưa 20/6, PV Báo Giao thông đã trực tiếp tiếp cận với nhóm bạn đi chơi cùng với hai nữ sinh tối hôm đó, trong đó có em Phương A. (SN 2003, thôn Mễ Thượng, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ) - người được cộng đồng cho rằng “người chạy thoát khỏi vụ án mạng kinh hoàng”. Theo Phương A., chiều 19/6, em và hai nữ sinh trên cùng bạn bè tụ tập ăn uống, sau đó đi hát karaoke. “Cả nhóm ăn và có uống bia. Em có việc về trước và khoảng 23h, một người bạn gọi điện thông báo lên khu vực cầu Yên Phú gấp vì Ngọc và Trà gặp nạn. Các bạn kể, Ngọc với Trà đi xe máy BKS 36M1-019.15 đuổi theo một người bạn trong nhóm để lấy chìa khóa tại khu vực xã Thắng Lợi”, Phương A. kể và khẳng định không có mâu thuẫn với ai.

Điều tra sơ bộ, công an nhận định đây là vụ TNGT, không có dấu hiệu bị truy sát. Sau khi khám nghiệm tử thi, Cơ quan Công an đã bàn giao thi thể cho gia đình mai táng. Tuy nhiên, do bị kích động từ thông tin sai lệch đăng tải lên mạng xã hội, gia đình hai nữ sinh cho rằng “đây là vụ án mạng” nên khoảng 14h40 ngày 20/6, đã đưa xe tang chở thi thể Ngọc đến cổng Công an huyện Yên Mỹ và mang quan tài Trà ra địa điểm xảy ra vụ việc.

Lợi dụng sự việc phức tạp, một số đối tượng quá khích đã cố tình chống đối, hô hào mọi người giữ quan tài, không cho lực lượng chức năng đưa thi thể các nạn nhân về cơ sở y tế để khám nghiệm; một số đối tượng còn quay video, phát trực tiếp lên mạng xã hội.

Dựng tin thảm án, dựng cả đơn kiện công an

Khoảng 10h10 ngày 30/10/2016, tại Km 89+700 đường 39, địa phận xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình người dân phát hiện chị Nguyễn Thị Cúc (SN 1989, ở xã Phương Công, huyện Tiền Hải) chết trên làn đường xe thô sơ bên phải; bên cạnh có con trai là Lê Anh Tuấn (SN 2008) bị thương. Xe mô tô SH BKS 17B8-167.60 của chị Cúc đổ nghiêng. Thi thể chị Cúc có nhiều thương tích, nặng nhất hai dấu vết cắt ở cổ. Thời điểm đó, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện chị Cúc bị chém chết, cướp tài sản; thậm chí còn khẳng định “con trai chị Cúc đã nhìn thấy kẻ chém mẹ mình”.

Ngay sau khi nhận thông tin, lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt đưa bé Tuấn đi điều trị tại Bệnh viện ĐK tỉnh Thái Bình; tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân.

Thời điểm đó, PV Báo Giao thông liên hệ với Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó giám đốc Công an tỉnh Thái Bình và được biết, vụ việc đang được khẩn trương điều tra, chưa có kết luận nhưng với kinh nghiệm của ông, có thể đây không phải là một vụ án mạng.

Quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường, cảnh sát thu được một dây chuyền đứt rơi vào phía trong áo chị Cúc, một đồng hồ đeo tay nữ bị tuột chốt rơi bên cạnh. Thanh tôn phía trên hàng rào hộ lan (từ chỗ chị Cúc nằm đến vị trí xe mô tô đổ) có 9 dấu vết quệt sơn và nhựa đứt đoạn. Khám nghiệm bên ngoài tử thi chị Cúc có hai dấu vết cắt ở cổ; hai dấu vết cắt ở cẳng tay phải và nhiều vết chà xước ở vùng bụng, ngực và đầu gối. Trên áo chị Cúc có vết thủng, vết cắt nghi chà sát trên mặt đường. Kiểm tra trên người cháu Tuấn có hai vết cắt nông dưới da ở cổ.

Trích xuất hình ảnh từ các camera và rà soát, lấy lời khai của những người dân ven đường, tài sản của nạn nhân còn nguyên, xác minh nhân thân, cuối cùng, Cơ quan điều tra Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, Viện KSND huyện Đông Hưng đã tổ chức họp liên ngành thống nhất xác định: Chị Cúc tử vong do TNGT.

Tuy nhiên, ngay sau đó, trên mạng xã hội lại xuất hiện ảnh chụp lá đơn khiếu nại ghi tên ông Nguyễn Văn Rĩnh (67 tuổi, thôn Chính, xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, Thái Bình) khiếu nại kết luận điều tra của Công an tỉnh Thái Bình và cho rằng, cái chết của chị Cúc là án mạng, cần phải truy tìm hung thủ. Nhưng ông Nguyễn Văn Rĩnh khẳng định: “Vụ việc đã được Công an tỉnh Thái Bình kết luận xác định nguyên nhân vụ việc nên gia đình không viết đơn khiếu nại gì nữa. Đơn đó là những người trên mạng tự nghĩ ra...” (!)

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Theo luật sư Mai Thảo (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), không chỉ hai vụ việc kể trên mà mới đây, cái chết chưa rõ nguyên nhân của một nữ nhà báo ở Hà Nội cũng được cộng đồng mạng “đào xới”, dựng thành một vụ án giết người vô cùng li kỳ, để từ đó, người phải chịu phiền lụy nhất là chính người thân của những nạn nhân nói trên... Những vụ tai nạn thông thường được dựng lên như những vụ án mạng không chỉ tăng thêm đau đớn cho người thân nạn nhân, gây hoang mang trong dư luận xã hội mà còn gây áp lực, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý của lực lượng chức năng...

Với những đối tượng tung ra thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khiến cho cơ quan điều tra gặp khó khăn trong điều tra nhưng chưa đến mức độ xử lý hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, mức phạt cao nhất mới chỉ là 1 triệu đồng nên chắc chắn chưa đủ răn đe. Trừ khi cơ quan chức năng xác định hành vi tung “hoang tin” với mục đích vu khống cho người khác thì đối tượng mới có thể bị xử lý hình sự về Tội vu khống (Điều 156, BLHS 2015) với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù; hoặc làm nhục (xúc phạm danh dự, nhân phẩm) người khác thì bị xử lý về Tội làm nhục người khác (Điều 155, BLHS 2015), mức án cao nhất 5 năm tù...

Theo quy định của Luật An ninh mạng sắp có hiệu lực, từ 1/1/2019 tới đây, hành vi tung hoang tin của cộng đồng mạng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, hành vi bị nghiêm cấm là “sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội”.

Luật An ninh mạng cũng quy định: Người đăng tải các thông tin sai phạm lên mạng sẽ phải gỡ bỏ, đính chính thông tin hoặc bị ngăn chặn, xóa bỏ thông tin. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạm đình chỉ, đình chỉ, yêu cầu ngừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của dịch vụ đăng tải thông tin theo quy định; đồng thời điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân đó theo quy định. 

Tuy nhiên, Luật An ninh mạng không có chế tài cụ thể để xử lý những hành vi trên mà chỉ quy định chung tại Điều 9 - Xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

“Về cơ bản, theo điều luật này, những người có hành vi vi phạm thông tin trên MXH vẫn bị xử lý theo những quy định cũ. Bởi vậy, khi ban hành nghị định hướng dẫn luật này, cơ quan chức năng cần cụ thể hóa hơn nữa về các hành vi và chế tài, có như vậy mới đủ sức răn đe”, luật sư Thảo nhận định.

Nếu câu chuyện "Hai mẹ con sản phụ tử vong do sinh thuận tự nhiên" là bịa đặt, người tung tin có thể bị xử lý hình sự?

Theo luật sư, việc đưa thông tin sai lệch lên mạng nếu gây hậu quả nghiêm trọng, gây tác động xấu đến cá nhân, tập thể, dư luận thì có thể bị xử lý hình sự đến 7 năm tù về tội "Vu khống".

TIN MỚI NHẤT