Theo luật sư, việc đưa thông tin sai lệch lên mạng nếu gây hậu quả nghiêm trọng, gây tác động xấu đến cá nhân, tập thể, dư luận thì có thể bị xử lý hình sự đến 7 năm tù về tội "Vu khống".
- Tự sinh con, tự đỡ đẻ tại nhà gây nguy hiểm tính mạng: Có thể bị xử lý hình sự về tội Vô ý làm chết người theo quy định của pháp luật
- Xót xa câu chuyện vợ trẻ sinh con khi chồng đã mất và bức ảnh ghép "khi bố về nhà" khiến ai cũng phải rơi lệ
Trong buổi họp báo ngày 15/3 vừa qua của Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM), ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện trường hợp mẹ con sản phụ tử vong do áp dụng sinh con "thuận tự nhiên" như tin tức lan truyền trên mạng xã hội.
Về người phát tán thông tin hai mẹ con sản phụ tử vong, Công an cũng đang vào cuộc xác minh, kiểm chứng để làm rõ vụ việc. Nếu xác định thông tin "hai mẹ con tử vong vì sinh thuận tự nhiên" là bịa đặt, vu khống thì sẽ có biện pháp xử phạt đúng pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP. HCM phân tích, hiện nay nhiều người sử dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai lệch, vi phạm đạo đức cũng như bôi nhọ, xúc phạm hoặc đe dọa làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của chủ thể khác làm ảnh hưởng đến hình ảnh, đời sống riêng tư, nhân thân của các cá nhân, tổ chức…
Nếu các cá nhân, tổ chức đăng tải những thông tin thất thiệt không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng hoặc quốc gia khác thì các chủ thể bị xâm hại (người bị hại) có quyền yêu cầu các "đối tượng" đó chấm dứt ngay hành vi vi phạm theo các quy định của pháp luật.
Theo luật sư, những thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là những nội dung bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP.
Xét về khía cạnh Bộ luật Dân sự cũng như hiến pháp hiện hành quy định: danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân được tôn trong và được pháp luật bảo vệ. Người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định.
Tại khoản 2, Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b, khoản 5, Điều 6, Nghị định 63/2007/NĐ-CP cũng quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì hành vi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra việc tung tin sai lệch lên mạng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về tội Vu khống với mức phạt từ 3 tháng đến 7 năm tù theo quy định của Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang tâm lý dư luận, tác động đến lĩnh vực kinh tế… nếu không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính.
"Trong trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tội "Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật", luật sư Hùng cho hay.