Tin bão mới nhất: Áp thấp gần Biển Đông mạnh lên thành bão Ampil, sức gió duy trì tối đa 65 km/h ở gần tâm bão, giật tới 80 km/h

Xã hội 13/08/2024 09:24

Cơn bão gần Biển Đông này đang di chuyển chậm về phía đông bắc.

Theo thông tin từ báo Lao Động, tin bão mới nhất của cơ quan thời tiết Philippines PAGASA ngày 13/8, áp thấp gần Biển Đông hình thành cuối tuần qua đã mạnh lên thành bão Ampil.

Lúc 3h sáng 13/8, cơn bão mới nhất Ampil đang cách Bắc Luzon 1.570 km về phía đông đông bắc, với sức gió duy trì tối đa 65 km/h ở gần tâm bão, giật tới 80 km/h.

Cơn bão gần Biển Đông này đang di chuyển chậm về phía đông bắc.

Tin bão mới nhất của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của không quân và hải quân Mỹ cho hay, áp thấp gần Biển Đông mạnh lên thành bão Ampil lúc 19h ngày 12/8. Ampil là cơn bão số 7 của Nhật Bản.

Tin bão mới nhất: Áp thấp gần Biển Đông mạnh lên thành bão Ampil, sức gió duy trì tối đa 65 km/h ở gần tâm bão, giật tới 80 km/h - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Hiện Ampil cách Yokosuka, Nhật Bản 1.224 km về phía nam và đang di chuyển về phía đông bắc với tốc độ 19 km/h trong 6 giờ qua.

Dự báo bão của JTWC nêu rõ, theo tốc độ tăng cấp trung bình, bão Ampil dự kiến đạt cường độ gió 140 km/h trong 2 ngày tới khi cơn bão di chuyển về phía bắc đảo Iwo To.

Sau 2 ngày, bão Ampil sẽ tương tác với một vùng áp thấp tầng trên (ULL) đang suy yếu ở phía đông nam Honshu dẫn tới giảm gió đứt và có khả năng tạo thuận lợi cho sự phát triển của cơn bão mới nhất.

Môi trường này, cùng với việc di chuyển trên biển có nhiệt độ bề mặt tăng 2-3 độ C lên 30-31 độ C sẽ khiến cơn bão mới nhất ở tây Thái Bình Dương mạnh lên trong khoảng từ 2 đến 3 ngày tiếp theo.

Các nhà dự báo bão của JTWC nhận định, bão Ampil sẽ vọt lên tới 185 km/h trong vòng 3 ngày. Trong thời gian này, cơn bão có khả năng đến gần hoặc quét qua Honshu, Nhật Bản. Hiện chưa chắc chắn bão Ampil có đổ bộ vào Nhật Bản hay không.

Ngoài cơn bão gần Biển Đông Ampil, khu vực phía tây Thái Bình Dương đang có 2 cơn bão khác cùng 1 áp thấp nhiệt đới quần thảo.

Dẫn tin từ TTXVN, theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, hiện trạng thái ENSO (bao gồm hiện tượng EL Nino và La Nina) đang ở giai đoạn trung tính. Từ cuối tháng 7 đến tháng 9, có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65-75%. Từ tháng 10 đến tháng 12, La Nina xuất hiện với xác suất khoảng 70-90%. Như vậy, càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina lại càng lớn. Hiện tượng La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung.

"Từ nay đến cuối năm xuất hiện 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, trong đó có khoảng 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; không loại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh trên Biển Đông. Khi bão xuất hiện trên Biển Đông thì diễn biến nhanh và rất khó lường, gây khó cho công tác phòng, chống bão", ông Mai Văn Khiêm lưu ý.

Ngoài ra, khoảng tháng 7-8, lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, tháng 9-11, lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ tăng lên khoảng 10-30%. Từ tháng 7 đến tháng 9, lượng mưa ở Trung Bộ tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10-20% và từ tháng 10 đến tháng 12, lượng mưa có khả năng tăng 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, để chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thực hiện nghiêm Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; các quy trình vận hành liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên phạm vi cả nước; các quy trình, quy định, quyết định phân cấp do Tổng cục Khí tượng Thủy văn ban hành. 

TIN MỚI NHẤT