Vì sức khỏe và sự an toàn của cả dân tộc, các y bác sĩ không ngại tạm biệt gia đình, bỏ lại mái tóc dài quý giá sau lưng để dốc hết sức điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
- 8 bệnh nhân trước khi mắc Covid-19 đã đi những đâu?
- Lịch trình di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 ở Hà Nội
Suốt những ngày vừa qua, cư dân mạng liên tục chia sẻ hình ảnh đẹp về các bác sĩ mặc trang phục bảo hộ bước đi trên hàng lang bệnh viện, chuẩn bị bắt đầu một cuộc chiến mới nhằm chống lại dịch Covid-19. Dù phải dấn thân vào nơi nguy hiểm với tỷ lệ lây nhiễm cao, những bước đi của họ vẫn đầy hiên ngang, đầy tự tin, khiến nhiều người không khỏi xúc động.
- "Các bác sĩ không khác gì các chiến sĩ ngày xưa ra trận. Biết nguy hiểm bao nhiêu nhưng vẫn lao vào và hoàn thành tốt nhiệm vụ."
- "Mùa hè mà phải mặc những bộ này thì nó phải gọi kinh khủng như thế nào. Vì dịch bệnh vẫn phải chịu, trân trọng công lao của các y bác sĩ."
Để hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng trong công tác cách ly và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế đã thành lập 3 đội công tác đặc biệt gồm các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm chống dịch Covid-19 từ đợt trước. Trong số đó có cả các y bác sĩ đến từ 2 cơ sở y tế tuyến đầu của cả nước là Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM)
Đoàn cán bộ được Bệnh viện Bạch Mai gửi vào Đà Nẵng lần này gồm có: GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện kiêm trưởng đoàn, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, TS. Hà Mai Hương - Th.S Ngô Gia Khánh - Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Th.S Phạm Thế Thạch - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực.
Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng chính là những bác sĩ đã từng chữa trị thành công cho bệnh nhân số 91 - nam phi công người Anh.
Điều dưỡng Tạ Bá Toàn - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai - cũng là một trong những cán bộ được cử vào Đà Nẵng hỗ trợ chống dịch lần này. Dù không đành lòng để lại con trai đang ốm ở nhà, anh vẫn sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ, vì sự an toàn của cả đất nước.
"Thương con trai bố! Ngày bố nhận lệnh lên đường chống dịch, con trai bố sốt cao 40 độ, nôn mửa; con kêu mệt nhiều. Bố thương lắm nhưng chỉ biết để trong lòng. Vì sự bình an của con trai bố, những người bố yêu thương, vì ở nơi đây cần bố. Sáng nay mẹ điện báo con đã hết sốt, bố mới yên tâm công tác. Mong sao bệnh dịch sớm được đẩy lùi, để bố sớm được về với các con", anh viết trên trang cá nhân của mình.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, các nhân viên y tế cũng đang dốc hết sức mình cho công tác chữa trị và phòng chống dịch Covid-19. Sáng ngày 29/7, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân đã chia sẻ hình ảnh các nữ y bác sĩ đang cắt tóc cho nhau, nhằm tạo sự thuận tiện khi phải làm việc trong nhiều giờ đồng hồ.
Nam ca sĩ bày tỏ: "Đây là hình ảnh vô cùng xúc động, các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng đang hi sinh mái tóc dài của mình, cắt tóc để tiện trong quá trình chiến đấu nhiều giờ, chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại tuyến đầu.
Xin chúc các y bác sĩ tuyến đầu thật khoẻ mạnh, kiên cường, vững vàng cho trận chiến mới này. Luôn biết ơn sự tận hiến và hy sinh của các y bác sĩ."
Ai cũng cảm thấy xót xa khi nhìn những mái tóc chưa kịp dài lại đã phải cắt đi của các nhân viên y tế nữ. Một cư dân mạng bình luận: "Mình con trai nuôi tóc dài nên hiểu cắt tóc đi nó tiếc thế nào, chúc các y bác sĩ thành công trong công cuộc chống dịch".
Trước đó, hình ảnh một nữ nhân viên y tế tại Đà Nẵng ngủ gục bên bên bờ tường sau 12 tiếng làm việc không ngừng nghỉ cũng khiến nhiều người phải bật khóc. Theo cư dân mạng, sẽ phải rất lâu nữa những "thiên thần áo trắng" này mới có được giấc ngủ đúng nghĩa và trở về nghỉ ngơi bên vòng tay gia đình, bởi trận chiến chống Covid-19 mới chỉ bắt đầu lại.
Tính đến sáng 29/7, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 30 bệnh nhân Covid-19 liên quan đến các bệnh viện tại Đà Nẵng. Trước đó, công an đã lập các chốt chặn và phong tỏa toàn bộ khu vực xung quanh 3 bệnh viện - Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng - kể từ 0h ngày 28/7.