Theo thống kê, hầu như tất cả mọi người sẽ nói dối khoảng 11 lần mỗi tuần, thậm chí 2 lần trong 2 ngày. Đôi khi chúng ta buột miệng nói dối khi chưa kịp suy nghĩ cẩn trọng và thường phớt lờ đi những hậu quả nghiêm trọng do những lời nói này gây ra.
- Bé gái 4 tuổi ở Hà Nội tử vong do sởi sau 1 ngày nhập viện
- Từ vụ người phụ nữ tử vong khi tham gia giải chạy: Bác sĩ khuyến cáo gì?
Nói dối, đặc biệt là những lời nói dối ác ý, có thể gây ra tác hại đáng kể trong não bộ và cơ thể, không chỉ làm tăng huyết áp và hormone gây căng thẳng mà còn để lại những hậu quả khó lường.
Tác hại đối với cơ thể khi nói dối
Nói dối gây ra những tác động ngắn hạn lên cơ thể như khả năng điều chỉnh cảm xúc và hệ thần kinh tự chủ của não giảm sút; tăng huyết áp; tăng nhịp tim; co mạch; tăng “hormone căng thẳng” trong cơ thể; cơ thể căng thẳng, cứng và đau.
Thậm chí, nói dối thường xuyên có thể gây ra bệnh tiểu đường và viêm cơ thể. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, huyết áp và nhịp tim cao trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm gia tăng và gây ra bệnh tuyến giáp, tiểu đường và các hội chứng chuyển hóa khác.

Những người nói dối cũng sẽ có nhiều cortisol hơn trong cơ thể. Cortisol là “hormone gây căng thẳng” khi quá cao sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, mất ngủ, lo âu và trầm cảm.
Căng thẳng kéo dài cũng gây ra các vấn đề như suy giảm khả năng miễn dịch, đau lưng dưới, đau đầu do căng thẳng và rối loạn kinh nguyệt.
Không chỉ vậy, việc duy trì lời nói dối còn đòi hỏi rất nhiều năng lượng tiêu cực về mặt tinh thần và thể chất. Bởi vì khi nói dối, những gì chúng ta nói và làm đòi hỏi nỗ lực và lên kế hoạch, thay vì xuất phát tự nhiên từ trái tim. Một khi đã nói dối, con người phải tốn nhiều năng lượng hơn để dọn dẹp mớ hỗn độn đó và tránh bị phát hiện.
Một số lời nói dối ác ý nghiêm trọng, chẳng hạn như lừa dối nhà đầu tư, lừa dối công chúng hoặc che giấu tội phạm, có thể gây ra thiệt hại lớn hơn cho cơ thể. Bởi vì những lời nói dối nghiêm trọng khiến não bộ ở trạng thái báo động cao, mức độ căng thẳng sẽ tăng theo mức độ nghiêm trọng của lời nói dối.
Vì sao nhiều người thường xuyên nói dối?
Bắt chước
Một số trẻ nói dối do ảnh hưởng của người lớn, xã hội hoặc bạn bè cùng trang lứa. Chẳng hạn, khi bố mẹ nói với trẻ nếu ngoan ngoãn, điểm cao thì sẽ được thưởng quà, kết quả là bố mẹ bận rộn với công việc mà quên lời đã hứa. Một việc nhỏ này cũng có thể khiến đứa trẻ học cách nói dối, hoặc nói dối để được khen thưởng. Cho nên, người lớn không nên tùy tiện hứa với trẻ rồi thất hứa, khiến trẻ hình thành suy nghĩ người lớn nói dối được thì mình cũng làm được. Trẻ đã quen với việc nói dối và không có sự hướng dẫn đúng đắn thì khi lớn lên có thể trở thành người hay nói dối.
Phương pháp giáo dục không đúng đắn
Nói dối cũng có thể xảy ra do phương pháp nuôi dạy con không đúng cách. Trẻ thường nói dối để làm hài lòng người lớn hoặc để tránh bị trừng phạt vì người lớn thường dùng việc khen thưởng và trừng phạt khiến trẻ lo lắng khi làm sai điều gì đó và sẽ không nói thật.
Trốn tránh trách nhiệm
Có người khi gây ra tội lỗi, rắc rối cho người khác nhưng lại không muốn chịu trách nhiệm thì họ sẽ nói dối nhằm giúp họ thoát khỏi liên can. Ví dụ, làm hư hỏng đồ đạc của người khác mà không thừa nhận, lừa dối trong hôn nhân,... là những hành động trốn tránh trách nhiệm.
Tìm kiếm lợi ích
Động cơ của kiểu nói dối này là dùng lời nói dối để lừa tiền bạc, tài sản, danh tiếng… nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Chẳng hạn, có những người muốn giữ thể diện, có những người thích khoe khoang hay cố tính nói điều tốt không đúng sự thật để được thăng chức, cũng có những người lừa tiền của người khác,...
Mong muốn nhận nhiều sự quan tâm hơn
Sự yêu thương, quan tâm của người lớn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển lành mạnh về tinh thần của trẻ. Nếu nhu cầu tâm lý của trẻ không được đáp ứng phù hợp, trẻ có xu hướng cư xử theo những cách không đáp ứng được những yêu cầu thông thường. Vì vậy trẻ dùng lời nói dối để thu hút sự chú ý của người lớn. Đây là hành vi xảy ra ở hầu hết trẻ em.

Người nghe lời nói dối cũng sẽ gặp vấn đề sức khỏe
Nói dối không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người nói dối mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người nghe hoặc phát hiện lời nói dối.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard và Đại học California, Berkeley đã đưa ra một ví dụ, khi một người nghe kẻ giết người nói dối rằng hắn không giết ai, mạch máu của người đó sẽ co lại và hiệu suất hoạt động của tim sẽ giảm. Nói cách khác, tác hại mà người nói dối phải chịu sẽ “lây lan” sang những người nghe được lời nói dối.
Trong khi đó, sự trung thực có thể làm giảm huyết áp, cải thiện sự lo lắng và kéo dài tuổi thọ. Khi một người thực hiện một hành động trung thực hoặc cao quý về mặt đạo đức, những cảm xúc tích cực sẽ tăng lên đáng kể, lo lắng được cải thiện, huyết áp giảm, quá trình lão hóa tế bào chậm lại và tuổi thọ được kéo dài.