Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến người dân biết để chủ động phòng tránh...
- Tin bão mới nhất: Áp thấp gần Biển Đông mạnh lên thành bão Ampil, sức gió duy trì tối đa 65 km/h ở gần tâm bão, giật tới 80 km/h
- Bão số 5 đến sớm hơn dự kiến, càn quét khủng khiếp, áp thấp nguy hiểm ‘dị thường’ dồn dập xuất hiện
Theo thông tin từ báo Lao Động, tin bão mới nhất của ABS-CBN News cho hay, các dải mưa của cơn bão mới nhất gần Biển Đông dự kiến ảnh hưởng đến quần đảo Batanes và Babuyan của Philippines.
Theo dự báo, bão Dindo sẽ di chuyển qua Biển Hoa Đông về phía bán đảo Triều Tiên hoặc bờ biển phía đông Trung Quốc.
Cơ quan thời tiết Philippines PAGASA nhận định, cơn bão mới nhất gần Biển Đông Dindo khó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết ở Philippines trong giai đoạn dự báo.
Cũng liên quan tới khu vực gần Biển Đông, theo dự báo thời tiết mới nhất lúc 4h sáng 20.8, một áp thấp gần Biển Đông đang được xác định cách Bắc Luzon, Philippines khoảng 1.030km.
Dự báo bão, áp thấp nhiệt đới mới nhất của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp của Không quân và Hải quân Mỹ cho hay, áp thấp gần Biển Đông này là Invest 99W, ít có khả năng mạnh lên thành bão trong vòng 24 giờ tiếp theo. Hiện áp thấp Invest 99W đang có sức gió duy trì khoảng 30 km/h.
Trong bản tin dự báo bão mới nhất, cơ quan khí tượng Đài Loan (Trung Quốc) CWA cho hay, cơn bão gần Biển Đông Jongdari không có khả năng ảnh hưởng đến Đài Loan (Trung Quốc).
Cơn bão Jongdari nằm ở vùng biển phía đông Đài Loan (Trung Quốc) và phía nam Okinawa, Nhật Bản trước khi mạnh lên thành cơn bão nhiệt đới thứ 9 trong mùa bão ở tây Thái Bình Dương.
Các nhà dự báo bão của CWA cho hay, bão Jongdari đang di chuyển với tốc độ 17 đến 30 km/h theo hướng bắc - tây bắc, với sức gió duy trì 65 km/h, gió giật tới 90 km/h.
Dù bão Jongdari không có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Đài Loan (Trung Quốc), nhưng chuyển động của bão dự kiến gây mưa lớn đến miền trung và miền nam hòn đảo khi gió mùa tây nam mạnh lên vào từ 20.8, theo dự báo của CWA.
Theo tin bão mới nhất của JoongAng Daily, bão Jongdari dự kiến tấn công Hàn Quốc, gây mưa lớn và giông bão.
Cơ quan thời tiết Hàn Quốc KMA cho biết, bão Jongdari dự kiến mang mưa đến bán đảo Triều Tiên cho đến hết ngày 20.8. Cơn bão gần Biển Đông hiện di chuyển về phía bắc hướng đến miền tây Hàn Quốc.
Theo dự báo bão mới nhất của KMA, dự kiến bão Jongdari sẽ tan vào sáng sớm 21.8, cách Seosan, Nam Chungcheong khoảng 60km. Hiện cơn bão có sức gió duy trì tối đa là 68 km/h và bán kính gió là 240km.
Bão Jongdari, được đặt theo tên tiếng Triều Tiên có nghĩa là chim sơn ca và được cơ quan thời tiết của Triều Tiên lựa chọn.
Do ảnh hưởng của bão Jongdari, một số khu vực trên khắp Hàn Quốc, bao gồm Gyeonggi, Gangwon và đảo Jeju, dự kiến có mưa rào, cùng với giông bão và sét.
Bão hình thành ở bán đảo Triều Tiên chậm vào mùa bão năm nay do đợt nắng nóng liên tục bao trùm khu vực. Ban đầu, bão Jongdari dự kiến chỉ là một cơn bão nhiệt đới, tức tốc độ gió duy trì tối đa trên 61,2 km/h.
Tại Việt Nam, dẫn tin từ báo Sức khỏe Đời sống, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh về việc ứng phó với mưa lớn khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 20/8/-22/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mua rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 200mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.
Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Theo các chuyên gia của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 10 ngày tới (20-29/8), thời tiết Bắc Bộ vào đợt mưa lớn kéo dài khoảng 3-4 ngày, sau đó duy trì mưa rải rác đến hết tháng.
Cụ thể, từ 20-23/8, khu vực có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh; từ 24-29/8, chỉ còn mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng gián đoạn.
Trong khi đó, khu vực Trung Bộ, trong 10 ngày tới duy trì hình thái thời tiết ngày nắng, có nơi nắng nóng đến nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi.
Khu vực Tây Nguyên, từ 20-23/8, ngày nắng gián đoạn, chiều tối và tối có mưa rào và dông vài nơi; từ 24-29/8 có mưa rào và giông rải rác. Thời tiết Nam Bộ trong thời kỳ dự báo, ngày nắng gián đoạn, chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác.
Riêng thời tiết Hà Nội, từ 20-22/8, nhiều mây, có mưa rào và diông rải rác, cục bộ có mưa to; từ 23-29/8, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông. Nhiệt độ cao nhất 3 ngày đầu từ 30-33 độ, sau phổ biến từ 32-35 độ; nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 25-28 độ.
Cơ quan khí tượng lưu ý, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.