Cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc T.T.H gỡ bỏ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục.
- Vụ cô đồng bổ cau ‘đúng nhận sai cãi’ có thể bị xử lý hình sự, phạt tiền ít nhất 15 - 20 triệu đồng?
- Phẫn nộ người phụ nữ đi cùng chủ chú chó buông lời thách thức người đàn ông bị đánh vì bảo vệ con: ‘Chuyện này có chút xíu’
Thông tin từ Báo Công an nhân dân cho hay, ngày 9/2, Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với T.T.H (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ suý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”.
Trước đó, ngày 7/2, Công an thị xã Kinh Môn phát hiện tài khoản facebook “Trương H.” đăng tải video có nội dung cổ suý các hủ tục, mê tín, dị đoan lên mạng xã hội. Nội dung các video là các buổi xem bói của cô đồng tên H., hình thức xem của H. là xem bằng lá trầu, quả cau.
Khi mọi người đến xem sẽ đưa cho H. lá trầu và quả cau; sau đó H. sẽ bổ quả cau, rồi nhìn vảo quả cau đó phán đoán về tình duyên, tài vận, sức khoẻ, vận hạn của mọi người ở quá khứ, hiện tại và tương lai; địa điểm xem bói tại điện nhà chị H. ở Hiến Thành, Kinh Môn. Sau khi các video này được đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Công an thị xã Kinh Môn đã nhanh chóng vào cuộc. Qua rà soát, đã xác định tài khoản facebook “Trương H.” là tài khoản facebook cá nhân của T.T.H.
Quá trình làm việc, H. đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình. Đồng thời, H. cho biết việc quay phát các video có nội dung xem bói như trên đều do một mình chị H. làm. Công an thị xã Kinh Môn đã tiến hành lập biên bản vụ việc, biên bản vi phạm hành chính, biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính đối với chị T.T.H.
Theo lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn, hành vi của H. đã vi phạm vào Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.
Trên cơ sở đó, ngày 9/2/2023 Công an thị xã Kinh Môn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 18/QĐ-XLHC về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ suý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” theo Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ, sửa đổi bằng Nghị định 14/2022, ngày 27/01/2022 của Chính phủ bằng hình thức phạt tiền, với mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, cơ quan chức năng đã yêu cầu H. buộc gỡ bỏ thông tin cổ suý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc do hành vi vi phạm của đương sự gây ra.
Theo Tri thức và cuộc sống, vụ việc 'đúng nhận sai cãi' của cô đồng T.H (Kinh Môn, Hải Dương) vẫn đang tiếp tục gây sự chú ý lớn từ dư luận. Theo chuyên gia, trong 100 người hành nghề bói toán, ngoại cảm, thì có tới 99 người là lừa đảo.
Cũng theo Báo Tri thức và Cuộc sống về vụ việc cô đồng bổ cau 'đúng nhận sai cãi' gây ồn ào, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, hiện tượng bói toán, lên đồng... đã tồn tại hàng nghìn năm qua.
Khi cuộc sống có những điều không giải thích được, có những 'bấp bênh' như thiên tai, tai nạn... người ta tin rằng đã bị một thế lực siêu nhiên nào đó chi phối. Và người ta tìm đến bói toán, tâm linh để mong hóa giải nó.
Qua các clip được lan truyền, không rõ việc cô đồng nói liến thoắng với các câu đệm 'đúng nhận sai cãi' có phải là một 'thủ thuật' tâm lý để người nghe bị 'thao túng', không phản ứng lại kịp hay không.
'Việc mê tín dị đoan xuất phát từ việc thiếu niềm tin vào cuộc sống. Đây là điều rất đáng lo ngại', PGS.TS Lê Quý Đức nói và cho biết, những hành vi quảng bá mê tín dị đoan, gây hoang mang... cần lên án, xử lý theo pháp luật.
Theo chuyên gia văn hóa, để hạn chế hiện tượng mê tín dị đoan, cần nâng cao dân trí, làm cho đời sống xã hội, kinh tế trở nên lành mạnh. Khi đó, có thể người ta sẽ giảm bớt đi những niềm tin chưa được chứng nghiệm.
Cùng với đó, cũng nên có những nghiên cứu khoa học về hiện tượng này, để có những đánh giá khách quan. Đối với người dân, cần cảnh giác, tránh bị lợi dụng, tin vào những điều 'nhảm nhí'.