Lực lượng chức năng và địa phương hiện đã và đang xác minh vụ việc cô đồng bổ cau ‘đúng nhận sai cãi’ được cho là mê tín dị đoan.
- Quảng Ninh: Hãi hùng nam thanh niên bị chủ quán 'tác động’ đến mức nhập viện vì mâu thuẫn tiền lương
- Vụ vàng hút được nam châm ở Bình Dương: Đại diện tiệm vàng lên tiếng
Theo thông tin từ Báo Dân Việt, liên quan đến vụ việc cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua, chiều ngày 7/2, trao đổi riêng với PV Dân Việt, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn cho biết, đơn vị đang vào cuộc xác minh kiểm tra.
Theo vị này: "Ngay sau khi có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể bằng văn bản tới các cơ quan chức năng".
Theo luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội thông tin với Báo Dân Trí cho hay, hoạt động mê tín dị đoan là hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia.
"Việc cô đồng T.H. nhận đặt lịch để xem bói cho nhiều người thông qua hình thức bổ cau cũng là một hình thức của hoạt động mê tín dị đoan. Pháp luật hiện hành đã ngăn cấm các hoạt động này và có chế tài xử phạt.
Theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt với mức phạt là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng", luật sư Hoàng Tùng lý giải.
Theo luật sư Hoàng Tùng, đối với người thực hiện hành vi mê tín, dị đoan mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội hành nghề mê tín dị đoan, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định tại Điều 320 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
"Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi dẫn đến làm chết người hoặc thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên hay gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng", luật sư Tùng phân tích.
Cũng theo Tri thức và cuộc sống, đại diện lãnh đạo Công an Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, đơn vị đang xác minh làm rõ thông tin cô đồng bổ cau 'đúng nhận sai cãi' xem bói toán, có biểu hiện hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội.
'Chúng tôi đang theo dõi ở trên mạng xã hội cũng như qua thông tin báo chí. Công an thị xã và Công an phường Hiến Thành cũng đang vào cuộc xác minh. Trường hợp nếu có các vi phạm, Công an thị xã sẽ cùng với Ban chỉ đạo tôn giáo của thị xã làm rõ và xử lý theo các quy định của pháp luật', đại diện Công an thị xã Kinh Môn thông tin.
'Chúng tôi vẫn đang làm việc, tiến hành xác minh để báo cáo lãnh đạo thị xã. Ban Tôn giáo thị xã và Công an thị xã cũng đang tiến hành xác minh', ông Dung cho biết.
Theo Chủ tịch UBND phường Hiến Thành, cô đồng T.H trước lấy chồng ở địa phương khác và mới về địa bàn sinh sống, trông nhà cho bố mẹ đi miền Nam.
Trước đó, trên mạng xã hội xôn xao nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh cô đồng T.H. hiện đang làm việc tại Kinh Môn (Hải Dương) nổi tiếng qua những video xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau.
Qua các video được đăng tải trên Tiktok này, cô đồng T.H. có thể đọc tên những người xung quanh đến xem khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ. Đặc điểm của những đoạn video được cô đồng T.H. đăng tải có vẻ ghi lại những lần coi bói trực tiếp của cô với 'khách hàng'. Mỗi lần bổ cau, cô có thể nói vanh vách về một vấn đề nào đó.
Đáng chú ý, những clip vừa xem bói vừa bổ cau do cô tự quay bỗng chốc có hàng triệu lượt xem. Kịch bản khá đơn giản: mở đầu cô đồng hỏi về chuyện gia đình, công việc. Sau mỗi câu hỏi đều kèm cụm câu 'đúng nhận sai cãi'. Đáng nói, các câu hỏi của cô đa phần đều rất chung chung. Giả dụ như dòng họ có người xuất ngoại đúng không? Nhà có ai tên là Đức không?... Rồi từ các câu trả lời của 'con nhang', cô tiếp tục xoáy sâu vào câu chuyện. Kế đó, cô sẽ nói tiếp về nguyên do, số mệnh. Và cuối cùng là giải pháp (đi cúng chỗ này chỗ kia, cẩn thận tháng này, ngày nọ…)
Cô đồng này cũng nhận đặt lịch để xem bói cho nhiều người khác. Thông tin được cô đồng T.H. chia sẻ, cô không bao giờ nhận đặt cọc trước và mọi yêu cầu chuyển khoản đều là giả mạo.
Một số ý kiến cho rằng, đây được xem là biểu hiện của mê tín dị đoan trên mạng xã hội. Sự việc này khiến không ít người lo lắng sẽ gây ảnh hưởng lớn, tuyên truyền mê tín dị đoan khi thu hút nhiều người.