Ly hôn xanh: Người trẻ kết hôn khi chưa kịp hiểu mình

Xã hội 16/04/2025 09:38

“Ly hôn xanh” đang ngày càng phổ biến, với nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ sau vài tháng đến vài năm. Nguyên nhân, hệ lụy của những cuộc hôn nhân chóng vánh ấy là gì; người trẻ cần chuẩn bị gì để bước vào hôn nhân vững vàng hơn?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hương Giang (Giang Kate) – người có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn hôn nhân và làm việc trực tiếp với giới trẻ. 

Ly hôn xanh: Người trẻ kết hôn khi chưa kịp hiểu mình - Ảnh 1

                        Chuyên gia Tâm lý Giang Kate 

Chị có cho rằng giới trẻ hiện nay đang bước vào hôn nhân quá dễ và thoát ra quá nhanh không?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hương Giang (Giang Kate): Phần nào đúng. Việc người trẻ độc lập hơn về tài chính và có nhiều lựa chọn khiến họ có thể chủ động bước vào hôn nhân. Đồng thời, họ cũng không còn bị ràng buộc bởi những định kiến xã hội về ly hôn như các thế hệ trước – và dám sống thật với chính mình. 

Khi một mối quan hệ trở nên không lành mạnh, họ sẵn sàng lựa chọn rời đi để bảo vệ giá trị sống cá nhân.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là con dao hai lưỡi. Sự độc lập giúp người trẻ có quyền tự quyết hơn, nhưng cũng có thể khiến con người dễ trở nên cô lập và xa cách hơn.

Bởi dù kết hôn hay không, để duy trì một mối quan hệ bền vững, sẻ chia và sâu sắc, mỗi cá nhân đều cần nỗ lực học hỏi – để hiểu mình, hiểu người, và biết cách hoá giải mâu thuẫn một cách đúng đắn và lành mạnh.

Cuối cùng, dù thời đại có thay đổi thế nào, thì nhu cầu được kết nối và gắn bó sâu sắc với người khác vẫn luôn là một phần thiết yếu trong bản chất con người.

Chị có đồng tình với nhận định rằng ly hôn xanh là do người trẻ thiếu kỹ năng sống? Hay có nguyên nhân sâu xa hơn?

Chuyên gia tâm lý Giang Kate: Tôi đồng ý rằng thiếu kỹ năng sống là một biểu hiện dễ thấy, nhưng nguyên nhân gốc rễ thường sâu xa hơn – nằm ở nhận thức chưa đầy đủ về bản thân, về tình yêu, về bản chất của hôn nhân, và cách ứng xử khi mâu thuẫn xảy ra.

Từ góc nhìn của Tâm lý học phát triển, nhiều người trẻ bước vào mối quan hệ khi họ vẫn đang trong quá trình khám phá bản sắc cá nhân.

Ví dụ như họ chưa thật sự hiểu nhu cầu cốt lõi của họ trong mối quan hệ thân mật là gì, mong muốn về mô hình gia đình của họ là gì, điều gì khiến họ dễ bị kích hoạt cảm xúc tiêu cực... 

Khi thiếu hiểu biết về chính mình, họ cũng dễ kỳ vọng sai về người kia hoặc về mối quan hệ và có thể phản ứng gay gắt thái quá khi có bất đồng. 

Họ không đủ kỹ năng hay niềm tin để “ở lại và cùng sửa chữa” mà dễ chọn cách rút lui – không phải vì hời hợt, mà vì không biết phải làm sao để tiếp tục một cách lành mạnh.

Sự thay đổi trong cách nhìn về hôn nhân – như một ‘trò chơi thử và sai’ – là tiến bộ hay biểu hiện của sự non nớt?

Chuyên gia tâm lý Giang Kate: Tôi nghĩ đó là cả hai. Đó là một bước tiến khi chúng ta công nhận rằng hôn nhân không nên là cái “gông” trói buộc, và mỗi cá nhân đều có quyền mưu cầu hạnh phúc.

 Nhưng cũng là biểu hiện của sự non nớt khi người ta lý tưởng hóa tình yêu nhưng lại bỏ qua hiện thực: mọi mối quan hệ dài lâu đều cần sự nỗ lực, học hỏi, và cả chịu đựng ở mức độ nhất định.

Hôn nhân không chỉ là chuyện “đúng người, đúng thời điểm”, mà còn là chuyện "hai người cùng trưởng thành với nhau qua thời gian".

Hệ lụy lớn nhất của “ly hôn xanh” là gì – với người trong cuộc, gia đình và xã hội?

Chuyên gia tâm lý Giang Kate:

  • Với cá nhân: Tổn thương tâm lý có thể để lại đó là cảm giác thất bại, hoài nghi chính mình và mất niềm tin vào tình yêu. Nếu những tổn thương này không được chữa lành và người đó chưa học được cách giải quyết mâu thuẫn, họ sẽ dễ tái diễn vòng lặp của những chu trình tương tác tiêu cực khi có mâu thuẫn trong các mối quan hệ tiếp theo.
  • Với con cái: Việc ly hôn có thể tạo ra tổn thương sâu sắc cho những đứa trẻ. Khi cha mẹ vẫn phải tương tác để cùng nuôi con, các mâu thuẫn cũ có thể tiếp tục bị kích hoạt, ảnh hưởng xấu đến môi trường tâm lý của đứa trẻ. Vì vậy, để giảm thiểu tổn thương cho con cái, về lâu dài các cha mẹ ly hôn vẫn nên tìm cách hoá giải những mâu thuẫn khó chịu của mình với nhau. 
  • Với gia đình: Cha mẹ hai bên thường cảm thấy sốc, hụt hẫng, đôi khi tự trách bản thân hoặc trách móc lẫn nhau. Việc thiếu sự nâng đỡ tinh thần trong giai đoạn khó khăn này càng làm sâu thêm các rạn nứt trong quan hệ giữa các thế hệ.
  • Với xã hội: Một thế hệ trẻ trở nên phòng vệ hơn với sự cam kết và dè dặt với hôn nhân. Điều này ảnh hưởng đến sự gắn kết xã hội, vì gia đình vẫn là nền tảng quan trọng trong hệ sinh thái của các mối quan hệ trong cộng đồng.

Chúng ta cần làm gì để giảm thiểu tình trạng này?

Chuyên gia Tâm lý Giang Kate: Chúng ta vẫn đang có một khoảng trống trong giáo dục cảm xúc và tâm lý, cả ở nhà trường và trong gia đình.

Trẻ em được học rất nhiều kiến thức học thuật, nhưng lại thiếu nền tảng về cảm xúc và kỹ năng sống như là: điều hòa cảm xúc, lắng nghe, giải quyết mâu thuẫn, hay xây dựng mối quan hệ lành mạnh.

Tôi mong muốn Giáo dục tâm lý - đặc biệt là kỹ năng sống, điều hòa cảm xúc và giao tiếp tích cực - được đưa vào chương trình học chính thức, thay vì xem đó là "môn phụ".

 Cảm xúc cũng cần được giáo dục - như cách chúng ta dạy trẻ học Toán hay Văn - bởi điều này giúp các em xây dựng năng lực ứng phó với căng thẳng, hình thành mối quan hệ lành mạnh, và phát triển nhân cách bền vững.

Với các bạn trẻ, hãy học cách hiểu và yêu thương chính mình một cách lành mạnh. Hãy xem hôn nhân là một hành trình cùng nhau hoàn thiện, chứ không phải một điểm đến để lấp đầy khoảng trống. Hãy chủ động học hỏi – đọc sách, tham gia các khóa học về bản thân, về hôn nhân, nuôi dạy con cái, và kỹ năng giao tiếp khi sống chung. 

Xin cảm ơn chuyên gia!

Mặt sưng đỏ, nổi mụn nước sau khi dùng kem trị mụn trên TikTok

Nghe theo lời quảng cáo “kem trị mụn từ thảo dược thiên nhiên, an toàn tuyệt đối” trên TikTok, cô gái trẻ ở Hà Nội đã tự mua dùng và phải nhập viện vì dị ứng nặng, đối mặt nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn.

TIN MỚI NHẤT