Nhiều cô dâu Việt lấy chồng Singapore thường im lặng khi bị bạo hành gia đình. Họ không dám bỏ chồng vì bị chồng đe dọa hủy thị thực thăm thân dài ngày, đưa về nước và tách họ khỏi con cái nếu ly hôn.
- Người phụ nữ tần tảo, một mình cáng đáng nuôi 9 người con, đích thân dắt tay con dâu vào lễ đường
- Một ngày sau vụ cháy ở đám cưới, chú rể bàng hoàng nhớ lại cảnh ngọn lửa bao trùm hội trường, chỉ kịp kéo cô dâu và người nhà ra ngoài
Theo Tạp chí Tri thức Znews dẫn nguồn từ Straits Times, một tháng sau khi sinh con trai, Lily bị người chồng Singapore đuổi khỏi nhà, không được gặp con suốt 10 tháng nay.
"Tôi cảm thấy bất công. Tôi không làm gì sai hay phản bội chồng. Tôi đã bỏ lỡ 10 tháng đầu đời của con mình và điều này thực sự rất đau đớn đối với tôi", Lily tiết lộ.
Lily đến Singapore 4 năm trước với mong muốn tìm được một công việc lương khá hơn. Sau đó, cô làm phụ bếp tại một nhà hàng.
Một đồng hương đã giới thiệu Lily với chồng hiện tại - người đàn ông làm thợ máy, từng ly hôn 2 lần, hơn cô 15 tuổi. Cặp đôi hẹn hò trong vài tháng rồi Lily mang thai. Hai người kết hôn sau đó.
Tuy nhiên, mối quan hệ của cả hai bắt đầu rạn nứt trong thời gian Lily mang thai.
"Anh ta liên tục chỉ trích và so sánh tôi với những người phụ nữ khác, nói rằng tôi rất béo khi mang bầu và tôi không đủ xinh đẹp. Anh ta cũng cứ nói rằng tôi không dịu dàng như những cô gái bán bia", cô kể.
Cặp đôi cũng cãi vã về số tiền Lily cho chồng mượn. Một ngày sau khi cô dâu Việt đi khám bác sĩ sau sinh, người chồng đã đuổi cô ra khỏi căn hộ. Cô gọi cảnh sát và được chuyển đến một địa chỉ trú ẩn, ở lại đây trong 6 tháng.
Người chồng nói với Lily rằng muốn ly hôn và không cho cô gặp con trai.
Một nhân viên xã hội đã giới thiệu người phụ nữ Việt đến Chương trình Hỗ trợ Công lý gia đình Pro Bono SG - chương trình hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người nước ngoài thu nhập thấp kết hôn và có con với người Singapore.
Luật sư June Lim đã thụ lý vụ án và đã xin được lệnh của tòa cho phép Lily được gặp con trai cô một lần/tuần trong 2 tiếng.
Luật sư Lim cho biết chồng của Lily phải tuân thủ lệnh của tòa án, nếu không sẽ phải chịu hình phạt.
“Nếu không có nhân viên xã hội và luật sư, tôi sẽ không biết phải làm gì và thậm chí không biết có thể gặp con trai mình hay không”, cô dâu Việt nói.
Theo báo Phụ nữ Việt Nam dẫn nguồn từ Sixth Tone, một phát ngôn viên của Hiệp hội Luật sư Pro Bono cho rằng, việc Chính phủ Singapore công khai lập trường của mình về tình trạng nhập cư của người nước ngoài sau khi ly hôn là rất quan trọng. Bà cho biết, đây là một cách tiếp cận "chu đáo và khoan dung" của chính phủ nước này. Ngoài ra, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ (MHA) chia sẻ với tờ The Straits Times rằng, những người góa vợ/chồng hoặc đã ly hôn với công dân Singapore có quyền nuôi con dưới 21 tuổi. Họ được phép sống ở Singapore bằng thị thực viếng thăm dài hạn cho tới khi đứa trẻ đủ 21 tuổi. Dù vợ/chồng cũ người Singapore hủy gia hạn thị thực, họ vẫn có thể được một công dân hoặc người thường trú tại Singapore khác trên 21 tuổi bảo lãnh.
Khi đủ 21 tuổi, con cái có thể bảo lãnh cho cha/mẹ người nước ngoài ở lại.
Từ tháng 12/2018, Hiệp hội Luật sư Pro Bono và bà June Lim - Giám đốc điều hành Công ty Luật Eden - đã bắt đầu triển khai Dự án LEAF (Trao quyền và Hỗ trợ pháp lý cho vợ/chồng người nước ngoài). Dự án LEAF hiện là một phần của chương trình Hỗ trợ Tư pháp Gia đình, giúp những người nước ngoài chưa phải công dân hay người thường trú Singapore về các vấn đề hôn nhân. Dự án nhằm mục đích trợ giúp miễn phí cho vợ/chồng là người nước ngoài đáp ứng một số điều kiện, ví dụ như có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 950 đô la Singapore trở xuống. Họ quyết định bắt đầu kế hoạch thí điểm này vì người phối ngẫu nước ngoài có con ở Singapore là nhóm "đặc biệt dễ bị tổn thương". Họ thường phải phụ thuộc vào người bạn đời của mình trong tất cả khía cạnh của cuộc sống. Họ có thể không có ai để giúp đỡ khi đối mặt với bạo lực tại nhà hoặc khi hôn nhân tan vỡ. Nhiều trường hợp cũng không có bất kỳ bạn bè hay người thân nào khác ở Singapore, họ chỉ còn cách tìm đến các tổ chức từ thiện như LEAF để được ở lại.
Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore đã giới thiệu chương trình hỗ trợ hôn nhân cho các đôi vợ chồng khác quốc tịch nhằm giúp họ có một nền tảng hôn nhân vững chắc. Chương trình mở các lớp dạy tiếng Anh hoặc tiếng Quan thoại cho các cô dâu, hướng dẫn cách giao tiếp, xử lý xung đột trong bối cảnh đa văn hóa, cũng như lời khuyên về cuộc sống ở Singapore.