Cơ quan công an vừa đề nghị truy tố 16 đối tượng có liên quan trong vụ dàn cảnh va chạm giao thông cướp số tiền ảo trị giá hơn 37,2 tỷ tại Đồng Nai.
- Tài xế gặp em bé đi lang thang lúc 1h sáng: 'Nếu có cướp tôi sẽ chạy ngay nhưng lương tâm tôi không cho phép bỏ qua em nhỏ đang lang thang'
- Vụ sát hại cả gia đình người Hàn ở quận 7: Hung thủ phi tang tài sản trộm được, thản nhiên 'cuỗm' thêm gần 50 triệu của bạn cùng phòng
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, cơ quan điều tra (CQĐT) vừa hoàn tất điều tra và đề nghị truy tố Hồ Ngọc Tài cùng 15 đồng phạm dàn cảnh va chạm giao thông cướp số tiền ảo trị giá hơn 37,2 tỉ tại Đồng Nai theo điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS (hình phạt từ 18-20 năm tù hoặc tù chung thân).
Đáng chú ý, CQĐT cũng xác định một số vụ việc, người liên quan vụ án. Cụ thể là hành vi của bốn người cung cấp thông tin cá nhân bị hại cho hai bị can Tài là Trần Ngọc Hoàng.
CQĐT xác định những người này quen hai bị can và bị hại L.Đ.N. trong thời gian đầu tư tiền ảo. Khi Tài hỏi, họ đã cung cấp hình ảnh xe ô tô Lexus, hình chụp chứng minh nhân dân và hộ chiếu của anh N.. 1 người có thời gian làm việc tại ngân hàng cho Tài biết số tài khoản Vietcombank của anh N.
Ngoài ra, đầu năm 2020, Tài và Hoàng còn được họ cho biết mới gặp anh N. tại chung cư Vista Verde. Khi cung cấp thông tin về bị hại, các cá nhân trên chỉ biết Tài và Hoàng đang tìm gặp anh N. để đòi lại số tiền ảo do đầu tư thua lỗ. Họ không biết việc có hành vi theo dõi, tạo va chạm giao thông, chặn bắt, đe dọa, dùng vũ lực cướp tiền ảo của bị hại và không được hưởng lợi gì từ việc cung cấp thông tin. Do vậy, CQĐT không có căn cứ để kết luận họ đồng phạm giúp sức việc cướp hay không tố giác tội phạm.
Ba người liên quan đến việc môi giới, mua tiền ảo của Tài, Hoàng cướp được, CQĐT cho rằng không có căn cứ để kết luận họ đã thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc không tố giác tội phạm.
Các loại tiền ảo không được coi là phương tiện thanh toán tại Việt Nam và hiện tại chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh về việc coi các loại tiền ảo như một loại hàng hoá để trao đổi, mua bán. Vì vậy, chưa có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi mua bán, môi giới tiền ảo của hai bị can và ba người liên quan. Những người liên quan này không biết việc Tài cùng đồng bọn thực hiện vụ cướp tài sản; không biết nguồn gốc số tiền ảo nhờ bán là do chiếm đoạt được từ anh N. Hiện ba người này chưa nộp lại số tiền thu lời từ hành vi môi giới, mua bán tiền ảo trên.
Đối với hành vi tìm kiếm địa chỉ nơi ở gia đình bị hại của Mai Trung Thực, CQĐT cho rằng không có căn cứ để kết luận người này có vai trò đồng phạm giúp sức cướp tài sản hoặc không tố giác tội phạm.
Cụ thể, năm 2017, bị can Mai Xuân Phốt cùng với Thực làm việc tại Công ty dịch vụ cung cấp thông tin ở quận 1, TP.HCM, hoạt động trong lĩnh vực thu thập, cung cấp thông tin về người mất tích, người bỏ trốn, ngoại tình vv… Năm 2018, Thực mở Công ty dịch vụ cung cấp thông tin Miền Trung làm giám đốc đặt trụ sở tại quận Hải Châu, Đà Nẵng hoạt động cùng lĩnh vực với công ty trước.
Tháng 4/2020, Thực được Phốt thuê tìm địa chỉ nhà anh N. với giá 15 triệu đồng nhưng không nói mục đích. Sau khi Phốt cung cấp thông tin về chứng minh, hộ khẩu, biển số xe ô tô, số điện thoại của anh N., Thực đóng giả nhân viên giao hàng nhắn tin hỏi địa chỉ nhà để giao hàng và được vợ anh N. cho địa chỉ nhà tại chung cư Sarina (khu đô thị SaLa, quận 2,TP.HCM).
Đầu tháng 5/2020, Thực báo cho Phốt biết đã tìm được địa chỉ và yêu cầu Phốt trả thêm 10 triệu đồng. Phốt báo lại và được Tài đồng ý chuyển khoản cho Thực.
Sáng 11/5/2020, Thực đưa Phốt đến chung cư trên để xác nhận nơi ở của gia đình anh N. sau đó đến gặp Tài tại một quán cà phê ở khu đô thị SaLa để trao đổi thông tin.
Trưa cùng ngày, Phốt yêu cầu Thực quay lại chung cư Sarina để tiếp tục theo dõi, kiểm tra xem có xe ô tô của vợ chồng anh N. không. Do không thấy xe ô tô của vợ chồng anh N. xuất hiện nên đến khoảng 15h, Phốt chở Thực về nhà trọ nghỉ.
Hôm sau, Phốt điện thoại đề nghị Thực trả lại tiền do Thực cung cấp địa chỉ nhà không đúng; Thực xin Phốt cho trả lại tiền sau vì đã tiêu dùng hết. Thời gian sau đó, do không có tiền trả nên Thực không liên lạc với Phốt, không biết việc Tài và Phốt tìm được nhà anh N. Khoảng cuối tháng 6/2020, qua báo mạng, Thực mới biết Tài, Phốt và một số người bị bắt vì cướp tài sản của anh N..
CQĐT xác định Thực biết Tài tìm anh N. để đòi tiền Bitcoin; không được bàn bạc, không tham gia, không biết việc cướp tài sản. Số tiền 25 triệu đồng mà Thực nhận từ Phốt là của Tài đưa cho Phốt trước khi thực hiện hành vi cướp tài sản, không phải là tiền có được từ hành vi phạm tội.