Ngày 22/8, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa phối hợp với một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối điều trị kịp thời một trường hợp mang khối u phát triển cực nhanh ở ngực.
- Nhịn hắt hơi vì đang bận họp, nam thanh niên ở Hà Nội bị thủng màng nhĩ
- Nam thanh niên ở Hà Nội phải nhập viện khẩn cấp trong đêm sau khi tự nặn mụn tại nhà
Theo thông tin từ Dân Trí, bệnh nhi là một bé gái 12 tuổi, quê Long An. Khai thác bệnh sử, trước nhập viện một tuần, ngực trái cô bé to lên bất thường kèm căng tức. Ban đầu, bé ngại và nghĩ rằng vú to lên do cơ thể đang phát triển nên không báo gia đình. Mãi sau đó khi quá khó chịu, bệnh nhi mới chia sẻ cho ba mẹ chở đi khám.
Thời điểm vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé được bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, khoa Ngoại khám, ghi nhận ngực trái to gấp đôi ngực phải, tăng sinh mạch máu, sờ nóng và căng tức.
Bệnh nhi được chỉ định nhập viện, chụp MRI và làm các xét nghiệm. Kết quả cho thấy, ngực bé có khối hamartoma dạng cơ (một bệnh lý lành tính ở tuyến vú). Vì khối u phát triển quá nhanh, bệnh nhi cần được phẫu thuật để tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Trước tình trạng trên, ekip điều trị của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiến hành hội chẩn liên viện với Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, phối hợp cùng bác sĩ chuyên khoa tạo hình để lên kế hoạch mổ cho bệnh nhi.
Ca mổ kéo dài trong 2 giờ đồng hồ. Bệnh nhi được cắt trọn bướu, bảo tồn núm vú và mô tuyến vú. Hậu phẫu, bé được chăm sóc kỹ, giúp mô vú không sưng bầm, không tụ dịch, đảm bảo tính thẩm mỹ lẫn chức năng.
Trước đó, 1 trường hợp tương tự cũng xảy ra ở bệnh nhi 15 tuổi. Cụ thể, dẫn tin từ VietNamNet, bệnh nhi phát hiện có u ở bên ngực phải. Do ảnh hưởng của Covid-19, gia đình không đưa em đi khám được. Khối u không đau nhưng lớn nhanh làm ngực bên phải to gấp đôi bên trái.
Tình trạng trên khiến cô gái tuổi mới lớn bị hạn chế sinh hoạt, vận động và thẩm mỹ. Vì lo sợ u ác tính và nguy hiểm tính mạng nên gia đình đưa em đến Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám. Thời điểm nhập viện, khối u to quá cỡ đã chèn ép toàn bộ nhu mô vú bình thường.
Tại bệnh viện, kết quả siêu âm ghi nhận một khối u vú phải kích thước 15cm, u dạng đặc, ranh giới rõ, nghĩ nhiều tới u sợi tuyến vú. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định phẫu thuật cho thiếu nữ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thọ Đức đã tiến hành phẫu thuật hơn một giờ với đường mổ giấu sẹo, cắt trọn u và khâu thẩm mỹ. Bệnh nhân tỉnh ngay sau đó, ăn uống bình thường và xuất viện vào ngày hôm sau.
Bác sĩ Đức cho biết, sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ hạn chế hoạt động gắng sức từ 6 đến 8 tuần, mặc áo ép hoặc áo lót thể thao trong thời gian này để giảm thiểu sưng và đau.
U sợi tuyến vú là u lành tính, phát triển từ từ không có triệu chứng, có thể đau hoặc không đau. Trường hợp u sợi tuyến vú 15cm như thiếu nữ trên là khá hiếm gặp, có thể nhầm lẫn giữa u sợi khổng lồ và phì đại tuyến vú ở trẻ vị thành niên (phì đại tuyến vú thường xuất hiện ở cả 2 bên ngực).
Siêu âm là phương pháp cận lâm sàng đơn giản, không xâm lấn, thuận tiện, dễ phát hiện và hiệu quả để chẩn đoán u sợi tuyến vú ở trẻ em. U sợi tuyến vú nhỏ có thể theo dõi nhưng khi gây đau hay phát triển nhanh, ảnh hưởng tới thẩm mỹ cần sớm tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
Việc chẩn đoán sớm, u nhỏ, đường mổ sẽ nhỏ, đảm bảo tính thẩm mỹ, không để lại sẹo hay phải tạo hình vú sau phẫu thuật.