Không tái khám đúng hẹn, tự ý sử dụng nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến bé 23 tháng tuổi trợt loét toàn thân, vảy đóng kín đầu.
- KHẨN: Bệnh Marburg diễn biến phức tạp, khả năng lây truyền và tỉ lệ tử vong cao đến 88%
- Ăn món khoái khẩu của nhiều người, người đàn ông bị nhiễm liên cầu lợn, buộc phải lọc máu để giữ tính mạng
Trẻ bệnh nặng vì gia đình tự điều trị vảy nến
Theo chia sẻ của người nhà, khi sinh ra, bé bình thường. Nhưng từ 3 tháng tuổi, bé đã có biểu hiện ngứa ngáy, đỏ lựng da, xuất hiện các nốt nhỏ li ti ở vùng cổ, lưng, sau đó lan ra khắp cơ thể khiến bé thường xuyên quấy khóc, mất ngủ.
Gia đình dùng nhiều loại thuốc lá để tắm, các loại thuốc không rõ thành phần bôi da cho bé nhưng không thuyên giảm.
Đặc biệt 3 tháng gần đây, tình trạng tổn thương da của trẻ tiến triển nặng hơn. Vùng đầu của trẻ rát đỏ, đóng vảy thành từng tảng. Ngoài ra, vùng tay, chân, mặt cũng xuất hiện những đám đỏ dày đặc. Gia đình lúc này mới đưa bé xuống Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.
Bác sĩ Đặng Tú Anh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tại thời điểm nhập viện, toàn thân trẻ có nhiều tổn thương mủ tập trung thành ổ trên nền rát đỏ, trợt loét, chảy dịch, bong vảy. Tổn thương lan tỏa chân tay, thân mình. Bệnh nhi bị đóng vảy tiết dày ở vùng đầu, tay chân.
Bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh vảy nến cấp độ nặng nên dùng thuốc bôi tại chỗ, nâng cao thể trạng cho bé.
Sau 1 ngày vào viện, tình trạng của bé đã cải thiện, tổn thương da đã giảm đỏ và bắt đầu bong vảy. Bác sĩ Đặng Tú Anh cho biết, bé vẫn cần tiếp tục theo dõi khả năng đáp ứng để xác định phải điều trị lâu dài hay không.
Đáng lưu ý, mẹ bệnh nhi cho biết, sau khi sinh con, chị được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh vảy nến và điều trị tại Bệnh viện da liễu Trung ương. Nhưng khi hồi phục, chị không tái khám đúng hẹn và cũng tự ý sử dụng nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc khi bệnh tái phát.
Bệnh vảy nến nguy hiểm thế nào?
Bác sĩ Hoàng Thị Phượng - Trưởng khoa điều trị nội trú ban ngày - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh vảy nến (psoriasis) là một trong những bệnh da mạn tính xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó có cả trẻ em. Bệnh biểu hiện bởi những sẩn, mảng đỏ, bong vảy trắng ở trên da. Ngoài các biểu hiện trên, bệnh còn có thể có biểu hiện sưng, đau khớp nhưng ít phổ biến ở trẻ em hơn ở người lớn; hoặc có các triệu chứng khác như tách móng, vàng móng, móng xù xì.
Đây là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát để bệnh ổn định và không bùng phát.
Bác sĩ Phượng lưu ý, thời gian qua, nhiều bệnh nhân vảy nến có thói quen tự điều trị bệnh, sử dụng thuốc nam, thuốc bôi không rõ nguồn gốc khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn, quá trình điều trị càng khó khăn. Những trường hợp này khi vào viện xuất hiện mụn mủ, thậm chí bị biến dạng cơ xương khớp, nhiễm trùng toàn thân.
Đặc biệt, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh vảy nến khi đến khám tại bệnh viện đã dùng các loại thuốc bôi có chứa Corticoid hoặc tiêm K-cort. Đặc điểm của loại thuốc này là bệnh có thể đỡ trong thời gian đầu nhưng sau đó bùng phát dữ dội. Nhiều bệnh nhân sử dụng kéo dài dẫn tới suy tuyến thượng thận.
Bác sĩ Phượng cho biết, các bác sĩ da liễu không khuyến cáo bệnh nhân tắm bằng các loại lá cây mà sử dụng các loại sữa tắm hoặc là xà phòng dưỡng ẩm để làm cho da mềm. Lá cây có thể chứa các thành phần gây kích ứng khiến da đỏ hơn, là một trong yếu tố làm bệnh tiến triển nặng.
Bệnh vảy nến cũng tác động nghiêm trọng tới tâm lý của bệnh nhân. Bên cạnh sự kỳ thị của những người xung quanh, bệnh nhân ám ảnh vì đây là căn bệnh phải điều trị cả đời. Bệnh càng nặng, tâm lý càng bị ảnh hưởng. Do đó, người bệnh cần được quản lý bệnh chặt chẽ. Trước hết, bệnh nhân phải hiểu về bệnh và hiểu cơ thể mình. Bệnh nhân sẽ tự biết thời điểm bệnh chuẩn bị bùng phát để thăm khám và nhận tư vấn của bác sĩ.