Theo thống kê mới nhất, các ca mắc mới bất ngờ có số lượng tăng cao, gấp hơn 16 lần số ca khỏi bệnh.
- Ăn canh măng không nhai kỹ, người đàn ông phải nhập viện điều trị vì tắc ruột
- Cả nước chỉ còn 1 bệnh nhân COVID-19 nặng, SARS-CoV-2 liên tục biến đổi
Theo Người Lao Động, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 29-1 đến 16 giờ ngày 30-1, cả nước ghi nhận 53 ca mắc, tăng 40 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày ghi nhận số ca nhiễm cao nhất kể từ ngày 13-1 đến nay.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.526.461 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.484 ca nhiễm).
Trong ngày, cả nước có thêm 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.612.447 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 8 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Cũng theo Báo Sức khỏe và đời sống, WHO tiếp tục cảnh báo đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng.
Ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng, mức cảnh báo cao nhất của WHO. WHO đánh giá đại dịch COVID-19 có thể đang trong thời điểm chuyển tiếp, cần được theo dõi cẩn thận để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.
Trong cuộc họp ngày 30/1, người đứng đầu WHO cho biết tổ chức này hy vọng tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới sẽ chuyển sang một giai đoạn mới trong năm nay, trong đó số ca nhập viện và tử vong sẽ giảm xuống mức thấp nhất có thể.
Đầu năm 2020, WHO đã lần đầu tiên đưa ra cảnh báo đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Sau 3 năm, đại dịch đã khiến hơn 6,8 triệu người trên toàn cầu tử vong. Tuy nhiên, sự ra đời của vaccine và các phương pháp điều trị đã thay đổi đáng kể tình hình đại dịch. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng tình trạng khẩn cấp sẽ chấm dứt trong năm 2023, đặc biệt khi khả năng tiếp cận các liệu pháp điều trị COVID-19 được cải thiện trên toàn cầu.