Tình hình mới nhất về dịch COVID-19 có phần khả quan nhưng nên thận trọng với sự biến đổi khó lường của các biến thể phụ.
- WHO đánh giá tình trạng khẩn cấp của dịch COVID-19
- Trẻ em và nhiều phụ huynh lo lắng các bệnh lý về da sau Tết, hàng ngàn người xếp hàng tại bệnh viện chờ điều trị
Theo Sức khỏe và đời sống, sáng 30/1, cả nước chỉ còn 1 bệnh nhân COVID-19 nặng. Đây là lần thứ 2 số bệnh nhân COVID-19 thấp nhất trong 2 năm qua. Tuy nhiên, Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định giai đoạn khẩn cấp đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.408 ca mắc COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.483 ca mắc).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.612.444 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát hiện cả nước chỉ còn 1 bệnh nhân nặng đang điều trị thở oxy. Đây là thời điểm có số bệnh nhân nặng thấp nhất thứ 2 trong tháng 1/2023 (ngày 20/1, cả nước không còn bệnh nhân nặng nào điều trị, các ngày khác từ vài ca đến 9-10 ca/ ngày). Đến nay tròn 29 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do mắc COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN). Ngày 29/1, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo gửi Bộ Y tế và UBND TP HCM về hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) xác nhận không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào trong ngày 28/1. Đây là ngày thứ hai sau hai năm, TP.HCM ghi nhận không có ca COVID-19 nào (trước đó là ngày 26/1/2023). Các ngày khác số ca mắc COVID-19 của TP HCM cũng khá ít, chỉ một vài ca.
Theo Thanh Niên, cần thận trọng với biến chủng mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh COVID-19) đã liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới. Tính đến tháng 1.2023, Omicron là biến thể chủ đạo trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như: BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (20,6%), BA.2.75 (6,8%), XBB (3,3%), BA.4.6 (2,8%) và một số biến thể phụ khác. Trong đó, XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10.2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia.
WHO dự báo XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ khác của Omicron trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron; tuy nhiên vắc xin COVID-19 hiện tại vẫn có thể phòng diễn biến tình trạng bệnh nặng, tử vong.
Bộ Y tế cũng cho hay, tại VN, đến tháng 1 năm nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và TP.HCM, chưa có trường hợp nặng và các triệu chứng mới do nhiễm biến thể này. Bộ Y tế đánh giá dịch COVID-19 tại VN cơ bản đang được kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 giảm mạnh.
Tuy nhiên thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc xin giảm dần theo thời gian; việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng chống dịch của một số nước trong khu vực là nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.