Thời tiết mùa Đông - Xuân khiến thuỷ đậu, tay chân miệng gia tăng: Xuất hiện chùm ca bệnh trong trường học ở Hà Nội

Tin y tế 05/03/2024 20:02

Tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội lên 125 trường hợp (tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Theo thông tin từ TTXVN, từ ngày 23/2 - 1/3, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 37 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 19 trường hợp so với tuần trước đó), nâng tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay trên địa bàn lên 125 trường hợp (tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Đáng lưu ý, tuần qua cũng ghi nhận 1 ổ dịch tay chân miệng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm với 13 ca mắc. Cộng dồn năm 2024, đã có 2 ổ dịch trên địa bàn thành phố. Hiện còn 1 ổ dịch đang hoạt động.

Trong tuần qua, trên địa bàn cũng ghi nhận 27 trường hợp mắc thủy đậu, giảm 5 trường hợp so với tuần trước đó. Quận Hoàn Kiếm ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với chùm ca bệnh Trường Tiểu học Phúc Tân có 10 trường hợp mắc, tiếp đến là huyện Mê Linh với 5 ca. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 147 trường hợp mắc thủy đậu (giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thời tiết mùa Đông - Xuân như hiện nay là giai đoạn thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà... Thời gian qua, Hà Nội đã xuất hiện một số ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu trong trường học, dự kiến thời gian tới có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch mới trên địa bàn.

Thời tiết mùa Đông - Xuân khiến thuỷ đậu, tay chân miệng gia tăng: Xuất hiện chùm ca bệnh trong trường học ở Hà Nội - Ảnh 1
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng - Ảnh: Internet

Biện pháp phòng bệnh

Dẫn từ báo Kinh tế Đô thị, theo các chuyên gia y tế, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan, bệnh gây ra nhiều biến chứng như: viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể kèm theo như: điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động…

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu không phải chỉ gặp ở trẻ em mà bệnh thủy đậu còn gặp ở người lớn với các biểu hiện đôi khi còn nặng nề hơn.

Đối với bệnh thủy đậu, hiện tại không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.

Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.

Bệnh có thể lây lan nhanh chóng và trở thành dịch nên việc phòng ngừa thủy đậu là rất quan trọng. Phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất đó là chủng ngừa thủy đậu bằng vaccine. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, người dân tiêm vaccine phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng của thủy đậu.

Thực tế, nhiều trường hợp đã tiêm vaccine từ rất lâu và có sức đề khám kém cũng có nguy cơ mắc bệnh. Do thủy đậu rất dễ lây khi tiếp xúc qua giọt bắn, nhất là trong các không gian hẹp như lớp học mẫu giáo, tiểu học khi trẻ nhỏ chơi đùa, tiếp xúc với nhau.

Do đó, trẻ em từ 12-18 cần tiêm vaccine phòng bệnh. Trẻ từ 19 tháng đến 13 tuổi chưa tiêm vaccine hay chưa từng mắc thủy đậu cũng cần tiêm vaccine phòng bệnh.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung – Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thủy đậu nằm trong số các bệnh truyền nhiễm nên có khả năng lây lan từ người này qua người khác. Vì thế, người dân  cần phải biết thủy đậu lây qua đường nào để có biện pháp phòng tránh phù hợp. Bệnh nhân luôn phải giữ khoảng cách, cần phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp để không bị lây lan.

Liên quan đến bệnh tay chân miệng, theo TS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển.

Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Hiện, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống.

Thêm bệnh nhi tử vong vì tay chân miệng ở Bà Rịa - Vũng Tàu sau 10 ngày nhập viện

Kết quả xét nghiệm từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi bằng kỹ thuật RT-PCR tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phát hiện bệnh nhi dương tính tay chân miệng do chủng Enterovirus.

TIN MỚI NHẤT