Tích luỹ từ đầu năm cả nước ghi nhận 86.078 ca mắc, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 75,4%, số tử vong tăng 18%.
- Tin nóng y tế: Đã có 21 ca tử vong do tay chân miệng, số bệnh nhân tăng mạnh so với năm ngoái, nguy cơ lây nhiễm cao khi năm học mới bắt đầu
- Cảnh báo nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng ở trẻ tăng cao trong bối cảnh bắt đầu năm học mới
Theo thông tin từ Dân Việt, thống kê trong tuần 37 cả nước ghi nhận 5.250 ca mắc tay chân miệng không có trường hợp tử vong.
Tích luỹ từ đầu năm cả nước ghi nhận 86.078 ca mắc, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 75,4%, số tử vong tăng 18%.
Tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng trong vài tuần gần đây. Nếu như tuần 36 ghi nhận 70 trường hợp mắc thì tuần 37 tăng lên 105 trường hợp và đến tuần 38 là 139 ca bệnh. Dự kiến số ca mắc có thể gia tăng tiếp tục khi học sinh mầm non, tiểu học đã vào học ổn định.
Còn Tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP cho biết, trong tuần 37 (từ ngày 11 đến 17/9), thành phố ghi nhận 934 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 27,6% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân bao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.
Các chuyên gia cho hay, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời gian đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng.
Dẫn tin từ VnExpress, BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, phó khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh tay chân miệng giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Sau đó, cơ thể bắt đầu với các vết phồng rộp và phát ban trong miệng hoặc trên bàn tay, bàn chân.
Trên 90% bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng sẽ khỏi sau 7-10 ngày nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn 5% trẻ tay chân miệng bị biến chứng nặng, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bệnh tay chân miệng có thể điều trị ngoại trú, phụ huynh cần theo dõi 3 dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng cần đưa con đi viện ngay.
Giật mình chới với
Theo bác sĩ Hạnh Lê, giật mình chới với là một trong ba biểu hiện nặng điển hình của tay chân miệng. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị nhiễm độc thần kinh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy,...
Phát hiện sớm dấu "giật mình chới với" rất quan trọng. Cha mẹ chú ý khi trẻ mắc tay chân miệng giật nảy mình và chới với khi đặt nằm xuống (khác tình trạng trẻ lăn qua lăn lại rồi khóc). Cụ thể như:
Bé vừa ngủ thì giật nảy người, nâng hai tay hai chân, mở mắt nhìn lên rồi nhắm mắt thiu thiu. Ở tình trạng nặng, trẻ sẽ bị giật mình liên tục hoặc giật mình ngay cả lúc ngủ sâu. Nhiều trường hợp trẻ vừa nằm ngửa đã bị giật mình.
Trẻ giật mình ngay cả khi trẻ đang chơi đùa. Phụ huynh nên để ý số lần trẻ giật mình có tăng theo thời gian hay không. Nếu trẻ giật mình 2 lần liên tiếp trong vòng 30 phút, cần đưa đến bệnh viện ngay.
Thở mệt
Ngoài gây biến chứng lên não, bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng lên tim mạch, hô hấp. Ban đầu trẻ có dấu hiệu khó thở, thở nhanh, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản. Nếu nặng hơn, trẻ có thể bị phù phổi cấp gây khó thở, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.
"Trẻ khó thở rất có thể rơi vào suy tim, rối loạn huyết động. Khó thở có thể khiến trẻ tử vong nếu không được can thiệp y tế kịp thời, hỗ trợ thở máy hoặc đặt nội khí quản. Ngay khi thấy con khò khè, quấy khóc, khó thở phải đưa con đi viện ngay", bác sĩ Hạnh Lê khuyến cáo.
Run tứ chi
Trẻ mắc tay chân miệng có thể sốt cao, mệt, nôn ói sau đó có biểu hiện run chi. Phụ huynh có thể chủ quan với dấu hiệu này, vì nghĩ rằng trẻ ít nạp đủ dinh dưỡng có thể run, hoặc sốt cao gây lạnh run. Tuy nhiên, nếu trẻ run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, nặng hơn có thể yếu liệt tay hoặc chân là dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ diễn tiến nặng. Run hoặc yếu liệt chi có thể do biến chứng thần kinh tác động, nếu không can thiệp sớm, trẻ có thể yếu liệt thời gian dài. Phải tập vật lý trị liệu mới có thể vận động.
Bác sĩ Hạnh Lê lưu ý, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ có tâm lý chủ quan cho rằng bệnh lành tính. Các dấu hiệu như quấy khóc, nôn ói, khó ngủ là bình thường. Tuy nhiên, cha mẹ không nên xem thường dấu hiệu trẻ ngủ ít, khó ngủ, giật mình, hoặc ngủ li bì mê mệt. Ngay cả khi trẻ có những triệu chứng này cũng cần được đi khám, để bác sĩ kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng viêm màng não.
Bệnh tay chân miệng có thể trở nặng và tử vong sau 24h. Do đó, cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu của bệnh, tránh tình trạng diễn tiến nặng, trẻ phải điều trị thở máy kéo dài, quá trình hồi phục sau biến chứng vô cùng khó khăn.
Khi phát hiện con có triệu chứng như sốt, nôn, tiêu chảy, giật mình, nổi ban, phỏng nước ở tay, chân, miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm.