Bệnh nhi là bé trai 3 tuổi, ngụ Cà Mau, mắc tay chân miệng độ 4.
- Cảnh báo nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng ở trẻ tăng cao trong bối cảnh bắt đầu năm học mới
- Trẻ mắc tay chân miệng phải cách ly 10 ngày
Theo thông tin từ Người Lao Động, ngày 25/9, một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng được chuyển từ Cà Mau đến TP HCM đã tử vong sau khi các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.
Cụ thể, bệnh nhi là bé trai 3 tuổi, ngụ Cà Mau, mắc tay chân miệng độ 4. Bệnh sử, trước đó, bé được điều trị thở máy tại một bệnh viện ở Cà Mau 2 ngày. Tuy nhiên, do tình trạng nặng, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cấp cứu trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch nhẹ 150 lần/phút, sốt 41 độ. Ngay lập tức, các bác sĩ tại đây đã hồi sức, nhồi tim sau đó chuyển khẩn bé đến Khoa Hồi sức tích cực tại bệnh viện. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa những do tình trạng nặng bé đã tử vong.
Dẫn tin từ VTV, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh để các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trên địa bàn (bao gồm công tác chỉ đạo, điều hành chuyên môn, truyền thông và các hoạt động khác).
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch, ngoài vai trò của ngành Y tế, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và đặc biệt mỗi gia đình, người dân cùng tham gia.
Hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi...
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71 gia tăng. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong. Chính vì vậy đã dẫn đến các ca mắc bệnh diễn biến nặng nhiều hơn so với những năm trước đây.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo một số dấu hiệu khi trẻ bị bệnh tay chân miệng trở nặng mà cha mẹ cần chú ý. Đó là khi trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; trẻ bị giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình của trẻ có tăng theo thời gian hay không. Trẻ quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 - 20 phút rồi lại ngủ tiếp). Một số dấu hiệu khác như khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, sẽ khiến bệnh của trẻ nặng thêm.