Các nhà khoa học vừa phát hiện ra quần thể tế bào trong máu có thể giúp chỉ rõ khả năng một người bị nhiễm sốt xuất huyết có thể trở nặng gây tử vong hay không.
- Nhiều trẻ nhập viện vì mắc sốt xuất huyết thể nặng ở TPHCM và miền Tây
- Tiền Giang: Ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao
Khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, với gần 400 triệu ca mắc mỗi năm. Sẽ có nhiều người có nguy cơ mắc bệnh hơn nữa khi hiện tượng nóng lên toàn cầu tạo điều kiện cho các chủng muỗi mang vi-rút phát triển.
Nghiên cứu mới vừa phát hiện ra cách để phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết trên từng bệnh nhân, mở ra cơ hội cải thiện việc điều trị
Cho đến nay, vẫn chưa có cách dự đoán chính xác bệnh nhân nào có nguy cơ trở nặng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới vừa phát hiện ra cách sử dụng các tế bào miễn dịch để phân loại mức độ nghiêm trọng tiềm tàng của bệnh, từ đó mở ra cơ hội cải thiện việc điều trị, tiết kiệm cho hệ thống y tế đồng thời giúp phát triển một bộ sinh phẩm xét nghiệm dành riêng cho bệnh sốt xuất huyết.
Người đứng đầu công trình nghiên cứu này là Giáo sư Diana Hansen đến từ Viện Nghiên cứu Y sinh học Monash - Đại học Monash (Úc), với sự tham gia của Viện Nghiên cứu Y khoa Walter & Eliza Hall (WEHI) tại Melbourne và Tiến sĩ Tedjo Sasmono từ Trung tâm Eijkman (Jakarta, Indonesia). Nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Khoa học Y sinh (JBS).
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Diana Hansen phát hiện ra rằng trong lần nhiễm vi-rút sốt xuất huyết thứ hai (nhiễm trùng thứ phát thường nghiêm trọng hơn), một nhóm người đã có phản ứng tế bào T làm giảm mức độ của bệnh.
Giáo sư Hansen cho biết: “Loại tế bào hệ miễn dịch này được huy động bởi hệ miễn dịch thích ứng. Đây là một phản ứng có mục tiêu, cụ thể đối với mầm bệnh, giúp bạn hồi phục tốt hơn. Nhóm bệnh nhân còn lại là những người không có phản ứng cụ thể kể trên, thay vào đó là phản ứng hệ miễn dịch bẩm sinh, với đặc trưng là phản ứng chống viêm mạnh nhằm kiểm soát vi rút. Những người này bị bệnh rất nặng và nhiều khả năng phải nhập viện”.
Theo giáo sư Hansen, việc xác định các loại tế bào và các phân nhóm của chúng không hề dễ dàng: “Chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật phân tích khối phổ tế bào, đánh dấu các loại tế bào bằng kim loại hiếm, từ đó xác định các loại tế bào cụ thể trong mẫu máu và tách rời chúng”.
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Hansen tự tin rằng kết quả từ cuộc nghiên cứu sẽ cho phép họ phát triển một bộ sinh phẩm xét nghiệm dành riêng cho bệnh sốt xuất huyết, tương tự như bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID. Với bộ xét nghiệm này, các bác sĩ có thể phân loại bệnh nhân sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu xem ai cần nhập viện và ai không, thay vì cho tất cả các bệnh nhân nhập viện. Điều này sẽ giúp ích cho các cơ sở y tế tại những khu vực dễ mắc bệnh sốt xuất huyết, nơi thường xuyên quá tải bệnh nhân nhập viện.
“Virus sốt xuất huyết là một trong những thách thức lớn của y học nhiệt đới vì hiện chưa có vắc xin hiệu quả cao và chưa có phương pháp điều trị cho các trường hợp nặng. Việc giảm chi phí khám chữa bệnh là đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia Đông Nam Á, nơi 75% dân số tiếp xúc với vi rút sốt xuất huyết.
Chúng tôi đang bắt đầu cuộc nghiên cứu lâm sàng thứ hai tại một vùng dịch ở Indonesia nhằm thu thập thêm đặc hiệu trong việc nhận diện các tế bào cụ thể giúp dự đoán khả năng tiến triển bệnh nặng, từ đó tiến gần hơn đến việc phát triển bộ sinh phẩm xét nghiệm dành cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu” - giáo sư Hansen chia sẻ.