Một trong 2 bệnh nhi mắc vi khuẩn 'ăn thịt người' tích cực điều trị tại bệnh viện nhưng không qua khỏi.
- Mang thai 9 tháng vẫn có kinh nguyệt đều đặn, mẹ trẻ tá hỏa phát hiện mình sắp sinh em bé
- Người đàn ông ngưng tim được cứu sống trở lại: ‘Tôi như được sinh ra lần 2’
Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương cho biết hai bệnh nhi trú tại Thanh Hóa mắc Whitmore được điều trị tại bệnh viện. Trong đó, bệnh nhi 15 tuổi đã tử vong đêm 11-11.
Bệnh nhi còn lại 10 tuổi tình trạng nhẹ hơn và đang hồi phục tốt.
Bệnh nhi 15 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương vào ngày thứ 12 sau khi khởi phát được chẩn đoán trong tình trạng rất nặng, phổi tổn thương, suy hô hấp, vẫn còn ban sẩn xuất huyết ở hai bàn tay. Các bác sĩ đã chẩn đoán trẻ bị sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng/Whitmore.
Được biết hai ngày trước khi khởi phát, trẻ đi học về và bị dầm nước mưa, sốt cao liên tục bốn ngày, ho, nổi sẩn ban kèm đau tức ngực phải, đau bụng... Bệnh nhi được điều trị tại hai bệnh viện địa phương sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương.
Theo thông tin từ Báo VietNamNet, trước đó, Bộ Y tế cho biết xuất hiện 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore, bao gồm: một phụ nữ 40 tuổi ở Đắk Lắk và 2 bé trai ở Thanh Hóa (được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương).
Khuẩn gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất. Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất, hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 11).
Vi khuẩn này có thể làm hoại tử và chết các mô, gây viêm loét hay áp xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng máu… Do đó, khuẩn gây bệnh Whitmore vẫn thường được dân gian gọi là "khuẩn ăn thịt người".
Để phòng ngừa nguy cơ khuẩn gây bệnh cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần giữ vệ sinh, môi trường sạch sẽ. Trẻ cần được ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh cần đến cơ sở y tế sớm để được phát hiện và điều trị kịp thời.