Sau khi chế biến thức ăn xong, gia đình mời chị gái qua ăn, thế nhưng vừa ăn xong khoảng 30 phút, cả 3 người liên tục nôn ói và được đưa đi nhập viện cấp cứu.
- Quảng Bình: Sản phụ và mẹ gặp nguy kịch khi sưởi ấm bằng than
- Tình hình COVID-19 ngày 20.1: Việt Nam có mức giảm sâu đầy khác biệt, số người nhiễm ở Trung Quốc đáng báo động
Theo đó, thông tin từ Báo VietNamNet cho hay, vào khoảng 18h ngày 20/1, gia đình anh Lương Văn Ọt (trú tại thôn 5, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) được một người hàng xóm cho một bó lá rừng lạ (gọi là sâm) để về ăn. Sau đó vợ chồng anh Ọt gọi thêm chị gái là bà Lương Thị Hường sang để dùng cơm với gia đình.
Sau khi ăn xong khoảng 30 phút, cả 3 người đều có triệu chứng trào ngược dạ dày, liên tục nôn ói và được đưa đi nhập viện cấp cứu trong đêm.
Theo Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi, vợ chồng anh Ọt và bà Hường bị ngộ độc thức ăn dẫn đến viêm dạ dày, ruột và đại tràng. Hiện các bác sĩ chưa xác định được nguồn gốc nhiễm trùng.
Anh Lương Văn Ọt cho biết trước khi bị ngộ độc có ăn phải lá của bà M. (một người hàng xóm) đem cho gia đình.
Theo người đàn ông này, khi cho lá, bà M. nói với gia đình là sâm rừng. Ngoài ra, bà M. còn cho gia đình anh thêm hạt giống để gieo trồng với hình dạng dài, hạt màu đen đậm. “Tôi thấy lá rừng này ăn xong bị ngộ độc ngay. Rất may 2 đứa con nhỏ của gia đình không ăn”. Anh Ọt cho biết.
Theo tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Trang Thúy, Đại học Y Hà Nội chia sẻ trên Zing News, “các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ngay sau khi chúng ta ăn thức ăn, hoặc một số trường hợp, vài ngày, thậm chí vài tuần sau đó” bao gồm:
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đau bụng
- Tiêu chảy có thể có nước hoặc máu
- Sốt.
Ngoài ra, vị chuyên gia thông tin thêm một số triệu chứng khác ít phổ biến có thể biểu hiện trên hệ thần kinh như nhìn mờ hoặc cảm giác chóng mặt.
Cơ thể mất quá nhiều nước (tình trạng mất nước). Các dấu hiệu của mất nước bao gồm: Đi ngoài ra nhiều nước; cảm thấy rất mệt mỏi; khát nước; khô miệng hoặc lưỡi; chuột rút cơ bắp; chóng mặt; cảm thấy lo lắng, hoang mang; nước tiểu có màu vàng sậm hoặc không đi tiểu được trong hơn 5 giờ.
“Trẻ nhỏ và người lớn tuổi khi có các triệu chứng trên nên đến gặp bác sĩ ngay bởi những nhóm tuổi này rất dễ gặp tình trạng mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe”, TS Thúy nhấn mạnh.
Người bệnh và gia đình nên thực hiện ngay một số cách sau để tạo cảm giác dễ chịu hơn sau khi xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm:
- Uống đủ nước hoặc các loại chất lỏng, từ đó giúp cơ thể không bị mất nước - tình trạng xảy ra khi nôn, tiêu chảy quá nhiều
- Ăn các bữa nhỏ không có nhiều chất béo
- Nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt mỏi.
- Trong một số trường hợp diễn biến nặng, vị chuyên gia khuyến cáo người dân nên đi khám tại các cơ sở y tế. Cụ thể, các triệu chứng nặng bao gồm:
- Đi ngoài nhiều hơn 6 lần trong 24 giờ
- Xuất hiện máu trong chất nôn hoặc phân
- Sốt cao hơn 38,5 độ C và không hết sốt sau một ngày
- Đau bụng dữ dội
- Trên 70 tuổi
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang, để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc do độc tố tự nhiên trong rau, quả rừng, nấm rừng, nấm mốc, vi sinh vật, rượu… khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng các động, thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt không nên ăn các loại hoa, quả từ cây rừng, nấm mọc tự nhiên khi chưa xác định được nấm lành hay nấm độc.
Đối với cách phòng tránh ngộ độc vi nấm làm từ bánh ngô, bánh trôi ngô, khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng bột ngô làm bánh khi phát hiện thấy mùi lạ, màu lạ (các đốm nấm mốc, màu xanh, vàng, nâu...) chỉ nên sử dụng bột ngô làm bánh trong vòng 2 - 3 ngày. Trong quá trình chế biến, cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh việc độc tố từ bên ngoài xâm nhập vào thực phẩm.