Nhiều nguy hiểm rình rập khi sử dụng pháo tự chế, trong số đó là những thiếu niên gặp tai nạn sốc đa chấn thương, đứt lìa bàn tay...
- Tình hình COVID-19 ngày 20.1: Việt Nam có mức giảm sâu đầy khác biệt, số người nhiễm ở Trung Quốc đáng báo động
- Phát hiện cây tăm dài 6,5 cm đâm thủng ruột non người đàn ông vì thói quen ngậm trước khi ngủ: Bác sĩ cảnh báo
Mới đây, thông tin từ Báo giadinh.suckhoedoisong cho hay, bệnh nhân H.V.Q., 17 tuổi, sống tại Võ Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng tỉnh, mắt mờ, xây xát nhiều vị trí, vết thương cung mày trái 4cm, vết thương phức tạp dập nát cẳng bàn tay 2 bên. Người bệnh được chẩn đoán sốc đa chấn thương: chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, chấn thương phức tạp bàn tay 2 bên.
Theo lời kể của người nhà, người bệnh bị pháo nổ đau nhiều được người nhà đưa vào trung tâm y tế huyện sơ cứu sau đó chuyển đến bệnh viện tỉnh. Người bệnh được tiến hành hồi sức tích cực, hội chẩn các chuyên khoa, phẫu thuật xử lý cấp cứu bàn tay 2 bên.
Sau phẫu thuật người bệnh được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị. Sau phẫu thuật 4 ngày người bệnh tỉnh chậm, vẫn thở máy, tiên lượng nặng.
Một trường hợp khác là T.H.H., 15 tuổi, sống tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nhập viện ngày 14/1. Theo lời kể của người nhà, người bệnh nghịch pháo tự chế bị nổ vào tay trái. Ngay sau tai nạn đã được người nhà đưa thẳng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay trái, chảy máu nhiều. Người bệnh đã được phẫu thuật xử lý cấp cứu cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay trái.
Sau phẫu thuật 3 ngày người bệnh tỉnh, huyết động ổn định, mỏm cụt 1/3 dưới cẳng tay trái dịch thấm băng.
Cũng theo Báo Tin Tức, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa Khoa Trung Tâm An Giang tiếp nhận một bệnh nhân tên M., (19 tuổi ngụ phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) trong tình trạng lơ mơ, đứt lìa bàn tay phải, cùng nhiều vết thương vùng mắt, hàm mặt, cổ, ngực, bụng và cơ quan sinh dục; các vết thương chảy nhiều máu do pháo tự chế phát nổ.
Theo người nhà bệnh nhân, trước nhập viện 30 phút, bệnh nhân sử dụng pháo tự chế gây tiếng nổ lớn; ngay sau tiếng nổ xảy ra người nhà thấy trên cơ thể bệnh nhân M. có nhiều vết thương chảy nhiều máu và bàn tay phải bị đứt lìa.
Tại Khoa Chấn thương 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong khoảng một tuần trở lại đây liên tiếp tiếp nhận 5 ca bệnh tai nạn do pháo nổ. Đặc biệt, nạn nhân là những người trẻ tuổi từ 14 đến 17 tuổi.
ThS.BS Đặng Thị Thanh Bình - Phó trưởng Khoa Chấn thương 2 cho biết: "Tai nạn do pháo nổ thường để lại những di chứng, thương tật nặng nề và thường gặp phải ở những người trẻ tuổi.
Do đó, để hạn chế tai nạn đáng tiếc do pháo gây ra, gia đình và nhà trường cần có biện pháp giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ. Các em học sinh đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, gia đình cần giám sát các em việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng".
Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Trịnh Văn Dũng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ trên Báo Công lý, cho biết hành vi sản xuất và đốt pháo nổ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và gia tăng nguy cơ cháy nổ cho chính người sử dụng cũng như ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương trong dịp Tết Nguyên đán.
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
Như vậy, người có hành vi sản xuất, sử dụng trái phép pháo nổ tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.