Quảng Bình: Sản phụ và mẹ gặp nguy kịch khi sưởi ấm bằng than

Tin y tế 20/01/2023 11:51

Cả hai mẹ con đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trước đó, họ đã sưởi ấm bằng than trong phòng kín.

Theo thông tin từ Báo Sức khỏe và đời sống cho hay, Theo đó, rạng sáng cùng ngày, bà N.T.Ng (55 tuổi) trú tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được đưa tới Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc trong tình trạng hôn mê, tăng trương lực cơ tay chân, SPO2 80%, khó thở, thở nhanh. Con gái bà Ng. là chị N.T.N (20 tuổi) cũng nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sững sờ, không tiếp xúc, SPO2 98%, khó thở, thở nhanh, mệt lả, vã nhiều mồ hôi…

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, chị N. vừa sinh con ngày thứ 5. Quá trình sau sinh sản phụ này có nằm sưởi than trong phòng kín.

Trước khi nhập viện khoảng 15 phút, gia đình phát hiện bà Ng. và chị N. đang sưởi than, gia đình lập tức đưa cả hai đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, gọi không trả lời.

Quảng Bình: Sản phụ và mẹ gặp nguy kịch khi sưởi ấm bằng than  - Ảnh 1

Sản phụ nhập viện vì ngộ độc khí CO. Ảnh: Sức khỏe và đời sống

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc, sau khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán mẹ con chị N. bị ngộ độc khí than CO do nằm than củi. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch.

Theo BS. Lê Thị Lan Hạnh, Khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc khuyến cáo các sản phụ sau sinh, nhất là về mùa đông, cần giữ ấm nhưng không khuyến khích việc sưởi than. Bởi việc sưởi ấm bằng than có thể gây cháy, bỏng... Đặc biệt khi đốt than trong phòng kín còn sản sinh ra nhiều khí CO, gây ngộ độc.

Hiện bà Ng. và sản phụ N. đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định và đang được tiếp tục điều trị phục hồi.

Cũng theo Báo Công Lý, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo nhưng hầu hết mùa đông năm nào cũng có nhiều trường hợp ngạt khí do sưởi ấm bằng than.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng. Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết "êm dịu".

"Bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, khí CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và cướp mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người", TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Do đó, chuyên gia chống độc khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt củi, đốt than để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng.

Để tránh hệ lụy đáng tiếc, chỉ dùng bếp than, bếp củi để sưởi ấm trong điều kiện ngoài trời hoặc phòng thoáng khí, có mở cửa hoặc ô thoáng để thông khí.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe người dân, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo một số biện pháp an toàn để làm ấm cơ thể trong mùa lạnh như: Thường xuyên tập luyện thể thao; thêm gia vị vào các món ăn như gừng, tiêu, tỏi; sử dụng trà quế, trà gừng, vừa giữ ấm cơ thể, vừa làm tăng sức đề kháng hiệu quả; sử dụng các thiết bị sưởi ấm an toàn hơn.

Tình hình COVID-19 ngày 20.1: Việt Nam có mức giảm sâu đầy khác biệt, số người nhiễm ở Trung Quốc đáng báo động

Tình hình COVID-19 trong nước có mức giảm sâu dưới mốc 50 ca liên tục. Tại Trung Quốc, số ca nhiễm tính đến ngày 15.1 lên mức cao nhất.

TIN MỚI NHẤT