2 trẻ có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi ăn nấm khoảng 1h. Rất may, cả 2 được trạm quân dân y biên phòng cấp cứu kịp thời.
- Cảnh báo mới: COVID-19 gây các vấn đề về tiêu hóa, tăng 62% nguy cơ loét dạ dày
- Danh sách 14 sản phẩm siro ho bị cấm, chưa được cấp phép tại Việt Nam khiến hàng trăm trẻ em tử vong, tổn thương thận
Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, chiều 24/4, Thiếu tá Trần Thái Sơn - Đồn trưởng Đồn biên phòng A Vao (Bộ đội biên phòng Quảng Trị) cho biết, nhân viên Trạm quân dân y kết hợp thuộc đơn vị vừa kịp thời cấp cứu cho 2 cháu bé bị ngộ độc do ăn nấm.
Theo đó, khoảng 6h15 sáng cùng ngày, Thiếu tá Trần Minh Vũ - nhân viên Trạm quân dân y kết hợp, Đồn biên phòng A Vao tiếp nhận 2 chị em cháu Hồ Thị S. (9 tuổi) và Hồ Thị S. (6 tuổi), con của chị Hồ Thị B. (29 tuổi, trú thôn PaLing, xã A Vao, huyện Đakrông) bị ngộ độc nấm.
Ngay sau đó, Thiếu tá Trần Minh Vũ xử lý bằng cách gây nôn, tiêm trợ tim và truyền dịch cho 2 cháu. Sau khi được cấp cứu kịp thời, hiện sức khỏe của hai cháu đã dần ổn định.
Ông Hồ Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết, ngày 23/4, chị B. khi đi soi ếch phát hiện nấm, tưởng là nấm bình thường nên chị B. đã đem về nhà nấu lên ăn. Sau khi ăn, đến tối cùng ngày, 2 người con của chị không may bị ngộ độc và được đưa đến Trạm y tế quân dân y sáng nay.
"Hiện cả 2 cháu đã được cho về nhà, gia đình chị B. thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn xã", ông Hùng nói.
Theo Báo Lao Động khi nhập viện, cả 2 trẻ đều chung tình trạng bị nôn, đau bụng dữ dội, riêng Hồ Thị Sen có dấu hiệu lơ mơ, mệt lả.
Bà Hồ Thị Bê cho biết, trước khi xuất hiện tình trạng đau và nôn ói, khoảng 1h trước, 2 trẻ ăn loại nấm có màu vàng, cao khoảng 5cm.
"Bản ở xa trạm y tế xã nên có ai đau ốm, bà con thường đem đến trạm trước. Với những trường hợp nằm trong khả năng, chúng tôi sẽ điều trị, còn khó thì huy động lực lượng ở đồn chuyển ra trung tâm" - thiếu tá Trần Minh Vũ chia sẻ trên báo Lao Động, cho biết.
Được biết, bản Pa Ling cách trung tâm xã A Vao 15km với đường đất quanh co trắc trở, vào mùa mưa bị cắt đứt bởi nước lũ, sạt lở đất. Trạm quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng A Vao đặt ở trung tâm bản Pa Ling, trở thành nơi chăm sóc sức khỏe cho khoảng 200 hộ dân người đồng bào thiểu số Pa Cô.