Ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại TP.HCM gần đây là XBB.1.5, còn có 7 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác bao gồm XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1.
- Test nhanh tại nhà có thể không phát hiện ra COVID-19 'ẩn mình': Chuyên gia chỉ cách xét nghiệm đúng
- Xử trí khi mắc COVID-19 tại nhà, các phương pháp cần lưu ý
Chiều 23/4, Sở Y tế TPHCM cho biết, địa phương vừa phát hiện thêm nhiều biến thể phụ mới của chủng Omicron.
Cụ thể, vào ngày 21/4, từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), Viện Pasteur TPHCM đã phát hiện các biến thể phụ mới của Omicron (11/13 mẫu).
Trong đó, ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại thành phố gần đây là XBB.1.5, có 7 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác, bao gồm: XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1. Đây cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được WHO xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).
Theo Sở Y tế TPHCM, điều đáng lo ngại là ngoài biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 95 quốc gia, còn có thêm biến thể phụ XBB.1.16 vừa được WHO xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi. Biến thể phụ này đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ.
Việc phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới Covid-19 trong mấy ngày qua tại TPHCM và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Hiện nay, chưa có báo cáo từ các nước trên thế giới cho thấy mối liên quan giữa các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs) với tình trạng mắc Covid-19 nặng hơn trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc số ca mắc mới tăng dẫn đến số ca nhập viện tăng là khó tránh.
Mặc khác, hầu hết những ca nhập viện đều là người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có những người chưa tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Do đó, Sở Y tế TPHCM đề nghị mọi người dân cần tích cực đồng hành cùng chính quyền các cấp tham gia "Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ" vừa được Thành phố phát động.
Trước diễn biến dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, cần khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.
Cảnh báo COVID-19 tăng sau kỳ nghỉ lễ
Các chuyên gia cảnh báo kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và giỗ Tổ Hùng Vương tới đây là dịp người dân đi lại nhiều, du lịch tăng cao, có thể ca mắc COVID-19 sẽ gia tăng trở lại.
Trước đó, vào tháng 9/2022, sau kỳ nghỉ lễ 2/9, số ca mắc COVID-19 trên cả nước cũng gia tăng. Thời điểm trước lễ, số ca mắc nhiều ngày giảm còn 1.300 - 1.500 ca/ngày, sau nghỉ lễ, đến ngày 5/9 cả nước đã ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh.
Theo ông Trần Đắc Phu - Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố hết dịch, nghĩa là bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến.
"Thời gian sắp tới, nếu người dân chủ quan không có các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay thì số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng. Vì thế nên duy trì nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn), không chỉ phòng COVID-19 mà còn các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B.
Với ngành y tế, cần đánh giá về các chủng vi rút mới, khả năng phòng bệnh của vắc xin để khuyến cáo người dân và có biện pháp đáp ứng phù hợp, không bị động", ông Phu nhấn mạnh.
Ông Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cũng khuyến cáo người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.
"Người dân cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của chính quyền, cơ quan y tế địa phương trong việc phòng chống dịch COVID-19", ông Lân khuyến cáo.