Sốt xuất huyết có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Người dân chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà, nên dễ khiến bệnh trở nặng.
- Đi tiểu ra lông - tóc, người phụ nữ U50 ở Hậu Giang tá hỏa phát hiện loại bệnh hiếm gặp, khám nhiều nơi mới tìm được nguyên do
- Chất tạo ngọt nhân tạo trong nước ngọt và kẹo cao su có thể gây ung thư, WHO nói gì?
Theo thông tin từ Dân Trí, hàng năm, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10-12. Tuy nhiên năm nay, số lượng ca bệnh lại xuất hiện sớm hơn dự kiến. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến tuần 26, Thủ đô đã có 823 ca mắc sốt xuất huyết.
Số ca mắc tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (238 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.
Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng vọt. Đáng chú ý, cơ sở y tế này tiếp nhận hàng chục bệnh nhân vào những ngày cao điểm.
BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: "Hàng ngày, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận khoảng 5-7 bệnh nhân. Số bệnh nhân đang được điều trị ở cả 2 cơ sở hiện lên đến 30 người".
"Gần đây, Hà Nội có nhiều đợt mưa lớn. Đây cũng là một trong những nguyên do khiến số lượng ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh", BS Hưng giải thích thêm.
Theo BS Hưng, nếu người mắc sốt xuất huyết chủ quan thì tình trạng có thể trở nên rất đáng báo động. Những biến chứng nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây nguy hiểm tính mạng.
Một bệnh nhân 41 tuổi, sống tại Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng đau đầu dữ dội. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Khu vực gia đình bệnh nhên này sinh sống hiện là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết lớn của Hà Nội.
Đã phát hiện triệu chứng sốt xuất huyết từ trước thời điểm nhập viện 4 ngày nhưng bệnh nhân chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà. "Tôi cảm thấy đau đầu và mệt mỏi nhưng lại cho rằng chưa cần nhập viện", bệnh nhân chia sẻ.
Sau thời gian tự điều trị, thể trạng người đàn ông này không có dấu hiệu cải thiện. Ngược lại, anh bắt đầu bị chảy máu cam và chảy máu chân răng. Ngay trong buổi sáng, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.
"Tôi đến bệnh viện làm xét nghiệm và được các bác sĩ yêu cầu ở lại viện để theo dõi, điều trị ngay", anh Phương cho biết. Mỗi ngày, nhìn 2 bịch máu được truyền vào cơ thể, bệnh nhân lặng người: "Ban đầu, tôi nghĩ sốt xuất huyết không có gì đáng lo ngại. Bây giờ, tôi cảm thấy nó thật kinh khủng".
Liên quan đến tình hình sốt xuất huyết ở Hà Nội, dẫn tin từ Kinh tế Đô thị, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ: Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với sốt xuất huyết. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Mới đầu tháng 7 nhưng dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đã có nhiều bất thường. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, TP đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện và không có ca tử vong. Từ đầu năm 2023 đến nay có 823 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động. Theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ...
Qua kiểm tra thực tế một số địa phương trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, vẫn phát hiện bọ gậy tại các hộ dân cũng như môi trường xung quanh.
Vì vậy, Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông, đặc biệt truyền thông trực tiếp để người dân hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân.
Đối với các hộ gia đình có bãi đất trống với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng yêu cầu dọn dẹp xử lý môi trường ngay. Tích cực diệt bọ gậy bằng cách thả cá hoặc thả hóa chất vào các dụng cụ chứa nước đọng.