Chu kỳ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trước đây là 4-5 năm lặp lại chu kỳ nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã bị phá vỡ.
- Chất tạo ngọt nhân tạo trong nước ngọt và kẹo cao su có thể gây ung thư, WHO nói gì?
- Từ vụ bé gái tím tái, mất ý thức khi bị sứa biển đốt: Bác sĩ hướng dẫn xử trí để tránh hậu quả đáng tiếc
Theo thông tin từ Dân Trí, dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng leo thang tại Hà Nội. Theo báo của Sở Y tế Hà Nội, Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy là những khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết.
Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống dịch đối mặt với nhiều khó khăn.
Trong tuần 25, TPHCM có 197 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca mắc tích lũy đến tuần 25 là gần 8.300 ca, thấp hơn 53% so cùng kỳ năm 2022, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Trả lời về tình hình dịch sốt xuất huyết trên báo Lao Động, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam có hơn 40 nghìn ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 8 ca tử vong. So với năm 2022 thì tình hình giảm gần 50% số người mắc.
Tuy nhiên cũng không được chủ quan vì năm 2022 có số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết (49 ca tử vong) nhiều nhất trong lịch sử.
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần.
6 tháng đầu năm ở miền Bắc có hơn 1000 ca mắc sốt xuất huyết (cao hơn 60% so với cùng kỳ so với năm ngoái), nên khả năng cao bùng phát dịch.
Hiện tại Hà Nội là điểm nóng nhất cả nước về sốt xuất huyết. Do có mật độ dân số cao nên tỉ lệ mắc thường tăng rất nhanh.
"Năm nay nắng mưa rất thất thường, miền Bắc có nhiệt độ trung bình cao, mưa nhiều, nắng lắm, làm môi trường sống của muỗi sốt xuất huyết phát triển. Những năm El Nino có nền nhiệt độ cao thì số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng theo.
Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo để chúng ta không được phép chủ quan. Nhiệt độ cao thì vòng đời của muỗi ngắn lại khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và người cũng nhiều hơn. Chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bùng phát dịch" - TS Dũng nói.
Theo TS Dũng, hiện nay thời tiết khá thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Chu kỳ trước đây là 4-5 năm lặp lại chu kỳ nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã phá vỡ.
Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, năm nay dịch ở miền Nam đã giảm hơn so với năm ngoái nhưng miền Bắc lại tăng đến 60% so với cùng kỳ. Năm 2017 số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết rất cao, đến 2019 và 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm.
Về nguyên nhân năm 2022 có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao kỷ lục, TS Dũng cho biết, năm 2022 gần như mọi người đều mắc COVID-19, miễn dịch giảm xuống, khi mắc sốt xuất huyết thì số ca tử vong tăng cao.
Những ca có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cũng tăng bất thường. "Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng các nhà khoa học đã nghĩ tới nguyên nhân này", TS Dũng nói.
Sốt xuất huyết là một trong những bệnh phòng chống phức tạp vì không chỉ dựa vào đội ngũ y tế mà phải dựa vào người dân. Sau dịch COVID-19, nguồn lực y tế dự phòng của chúng ta bị thay đổi rất nhiều, thiếu nhân lực là một thách thức lớn. Sắp tới cần phải quan tâm hơn nữa đến y tế dự phòng.
Sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 12. Tuy nhiên năm 2022 thì bệnh bùng phát không theo chu kỳ thường gặp. Năm nay, tháng 1-3 số người bị bệnh cao hơn năm 2022, còn ở miền Bắc lại tăng cao hơn. Nắng lắm mưa nhiều khiến miền Bắc năm nay có khả năng rất cao bùng phát dịch.
Để phòng chống sốt xuất huyết, Tiến sĩ Dũng khuyến cáo người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại…
"Muỗi đẻ trứng trong các thiết bị đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi. Chỉ có người dân mới làm được chứ không có đội ngũ y tế nào làm thay được"- ông nói.