Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch tay chân miệng còn tiếp tục tăng nhanh và có thể gây quá tải hệ thống y tế khi đỉnh dịch đang cận kề.
- Hà Nội bùng phát dịch bệnh gây suy tuần hoàn, tổn thương nội tạng: Điều trị 30 người/ngày, bệnh nhân ám ảnh vì cô đặc máu
- Cảnh báo: Chu kỳ 4 -5 năm bùng phát dịch sốt xuất huyết bị phá vỡ, Hà Nội có thể thành "điểm nóng"
Theo thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, những ngày gần đây, số ca mắc tay chân miệng (tay chân miệng) diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM đã phải mở rộng thêm phòng bệnh, tăng cường bác sĩ điều trị. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch còn tiếp tục tăng nhanh và có thể gây quá tải hệ thống y tế khi đỉnh dịch đang cận kề.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu như tuần trước, bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhi mắc tay chân miệng cần nhập viện điều trị thì trong tuần này lên đến hơn 200 ca. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, cho biết, hầu như ngày nào cũng có trẻ phải đặt nội khí quản và chuyển xuống các khoa hồi sức. Bệnh tay chân miệng đang tiến sát đỉnh dịch, bệnh viện liên tục quá tải, bệnh nhi nhập viện phải nằm ghép 2-3 trẻ/giường. Các nhân viên y tế bệnh viện phải làm việc liên tục tăng ca cả ngày lẫn đêm.
Riêng Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện có 12 trẻ mắc tay chân miệng phải nằm hồi sức, trong đó có nhiều trẻ phải thở máy, lọc máu. Theo PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Khoa đang điều trị cho bệnh nhi mới chỉ 6 tháng tuổi ngụ tại huyện Bình Chánh (TPHCM) mắc tay chân miệng độ nặng phải lọc máu, đặt nội khí quản, chích tủy xương truyền thuốc…
Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đang hoạt động hết công suất 8 phòng khám ngoại trú cho trẻ bị tay chân miệng với khoảng 400 lượt/ngày. Trẻ được tái khám liên tục để kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng. Khoa Hồi sức tích cực cũng sẵn sàng dành 20 trong tổng số 30 giường bệnh phục vụ riêng các bé mắc tay chân miệng nặng và rất nặng.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bác sĩ Lê Thị Kim Ngọc, Phó khoa Nhi C, cho biết, những năm trước các ca mắc tay chân miệng nặng nhập viện thường chỉ đến độ 2a, nhưng một tháng nay ngày nào khoa cũng có bệnh nhân chuyển độ từ 2a sang 2b hoặc đến độ 3. Khoa Nhi C có sức chưa 50 giường, nhưng hiện tại đã có 40 ca bệnh độ 2a.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1.614 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số mắc tay chân miệng trên 100.000 dân tăng cao là: quận Bình Tân, Tân Phú, 6, 8 và huyện Bình Chánh.
Dẫn tin từ VnExpress, theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, diễn tiến tay chân miệng nặng vốn rất nhanh, lại thêm năm nay chủng EV71 chiếm ưu thế nên tình hình dịch rất căng thẳng, không thể lơ là. Chủng virus này khiến người nhiễm bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn so với các tác nhân khác, từng gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018.
Thời gian qua, TP HCM xây dựng kịch bản ứng phó các cấp độ dịch. Bệnh viện tuyến cuối tăng cường điều phối, thu dung, phân cấp điều trị. Ngành y tế tổ chức đào tạo, chia sẻ rút kinh nghiệm điều trị, huấn luyện các cô giáo mầm non, đồng thời tuyên truyền người dân cách phòng bệnh, đến cơ sở y tế sớm khi có các dấu hiệu bệnh.
"Công thức cứu sống bệnh nhi tay chân miệng nặng là phát hiện sớm, nhập viện kịp thời, điều trị tích cực bằng thở máy sớm, lọc máu sớm", phó giáo sư Quang nói. Trong tháng 6, miền Nam ghi nhận 7 trẻ tử vong vì nhập viện muộn.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không chủ quan, theo dõi sát trẻ để phát hiện bệnh sớm. Một số người lầm tưởng về triệu chứng bệnh, thấy trẻ sốt, chảy nước miếng nghĩ là mọc răng, không biết nguyên nhân là do trẻ loét miệng không nuốt nước miếng. Có người thấy trẻ nổi ban nghĩ là dị ứng da.
Lớp học có trẻ mắc tay chân miệng cần lưu ý trẻ khác nhiều hơn, có bất cứ triệu chứng lạ thì đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, theo dõi, có hướng điều trị kịp thời. Trẻ mắc tay chân miệng cần cách ly 10 ngày mới cho đi học lại, tránh nguy cơ lây lan bé khác.
Theo bác sĩ Quy, phụ huynh không chủ quan nhưng cũng không nên lo lắng quá mức, không vượt đường xa từ tỉnh lên TP HCM khám bệnh làm ảnh hưởng trẻ. Hiện, thuốc điều trị tay chân miệng đã được cung cấp đến các bệnh viện tuyến cơ sở, y bác sĩ cũng được đào tạo, trẻ nên khám và điều trị ở cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt nhất. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã điều trị thành công bệnh nhân tay chân miệng độ nặng nhất.
"Đổ xô đến TP HCM gây quá tải tuyến trên mà có thể khiến trẻ chuyển nặng trên đường di chuyển. Nhiều trẻ sốt cao co giật khi đi trên xe khách, đến bệnh viện thành phố thì đã nguy kịch", bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh theo dõi sát các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời, gồm: Sốt cao khó hạ, sốt trên 39 độ, sốt hơn hai ngày; Giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, yếu chi; Nôn ói nhiều; Lừ đừ, lơ mơ; Thở nhanh, thở bất thường; Tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông tím.