Mặc dù được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với mục tiêu giải quyết khó khăn về nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ… Bộ, Ban tại Hà Nội nhưng ngay khi dự án vừa khởi công hoặc đang chuẩn bị bàn giao, thì các căn hộ được quyền mua đã mang chuyển nhượng ra bên ngoài với giá chênh hàng trăm triệu đồng/căn.
- Hà Nội: Hàng loạt dự án “thất lạc” chủ đầu tư, ai chịu trách nhiệm?
- Thu hồi đất sân bay Long Thành, nhiều cán bộ lo ‘mất việc’
Nhà ở cán bộ… rầm rộ bán giá chênh
Theo khảo sát của PV Dân Việt, hiện tại dự án công trình nhà ở cán bộ chiến sĩ Bộ công an Athena Complex Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội), dù vẫn chưa hoàn thiện phần ngầm của công trình và chưa được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng phần thân toà nhà, nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, việc rao bán, nhận cọc căn hộ và thực hiện giao dịch ký Hợp đồng mua bán với khách hàng không đúng quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở.
Qua ghi nhận, giá bán căn hộ Athena Complex Pháp Vân đang được đưa ra là khoảng 18-21 triệu/m2, tương đương từ 1,3 - 2 tỷ đồng tuỳ vào diện tích căn hộ. Nhưng giá bán thực tế căn hộ Athena Complex Pháp Vân cao hơn giá bán vào Hợp đồng mua bán.
Tiền chênh từ 100-460 triệu đồng/căn này được quy về khoản tiền “hệ số”, số tiền này không có hoá đơn. Đơn cử như: Căn hộ A404, diện tích 92 m2 có giá bán là 2 tỷ đồng tương đương giá bán thực tế là 21,8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên giá bán ghi trên Hợp đồng mua bán là 18 triệu đồng/m2, số tiền chênh khách hàng phải thanh toán thêm là 349 triệu đồng.
Theo tư vấn của một nhân viên môi giới đang chào bán căn hộ tại dự án Athena Complex Pháp Vân, dự án này có 400 căn hộ. Trong đó, đa số các căn hộ đã được bán cho cán bộ chiến sỹ công an, số ít còn lại là căn hộ thương mại. Khách hàng mua căn hộ Athena Complex Pháp Vân phải mua lại các suất của cán bộ và có giá chênh.
Cũng tại dự án địa ốc chính sách dành cho cán bộ chiến sỹ quận Hoàng Mai (tên thương mại là chung cư K35 Tân Mai – PV) cũng đang rầm rộ hoạt động tư vấn, chuyển nhượng căn hộ từ đối tượng được mua tới khách hàng có nhu cầu. Đáng chú ý, khách hàng mua căn hộ tại đây đều phải trả một khoản tiền giá chênh lên tới hàng trăm triệu đồng so với Hợp đồng mua bán.
Trong vai một khách hàng, PV được môi giới tư vấn, dự án chung cư K35 Tân Mai do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà phố và đô thị Bộ Quốc Phòng làm chủ đầu tư bao gồm 4 tòa chung cư trong đó tòa N01A, N01B cao 30 tầng, tòa N02 và N03 cao 25 tầng, cả 4 tòa đều có 2 tầng hầm. Trong đó, toà chỉ có toà N01A là nhà ở thương mại đang có giá bán khoảng 25 triệu đồng/m2; còn các toà còn lại là nhà ở chính sách cấp cho cán bộ theo hình thức đầu tư thương mại, có giá gốc là 19-21triệu đồng/m2 nhưng giá thực tế giao dịch là 24-26 triệu đồng/m2.
Lấy một trường hợp điển hình theo bảng hàng của môi giới, căn 1602 toà N01A có diện tích 85,5 có giá gốc là 21,4 triệu đồng/m2 (tương đương 1,8 tỷ đồng) nhưng giá thực tế đang bán là 26,9 triệu đồng/m2 (tương đương 2,3 tỷ đồng) chưa bao gồm VAT, phí bảo trì. Như vậy, giá trên Hợp đồng mua bán của căn 1602 này chênh với giá thực tế khách hàng phải thanh toán là 470 triệu đồng.
Tương tự, cũng tại dự án chung cư Ban cơ yếu Chính phủ trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà phố và đô thị Bộ Quốc Phòng làm chủ đầu tư. Dù dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và có kế hoạch bàn giao nhà trong quý 4/2019 nhưng tình trạng mua bán, chuyển nhượng giá chênh từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng cũng đang diễn ra.
Thất thu ngân sách, trốn thuế?
Mặc dù, các dự án nhà ở nêu trên đều được đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Nhưng căn cứ theo các đề xuất thực hiện dự án và quyết định chủ trương đầu tư, các dự án này đều có mục tiêu là giải quyết khó khăn về nhu cầu nhà ở cho cán bộ… thuộc Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, sử dụng quỹ đất có hiệu quả theo đúng quy hoạch của thành phố; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, đem lại thu nhập cho nhà đầu tư và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Đáng nói, khi thực hiện các dự án này, chủ đầu tư đề đề xuất lên danh sách các cán bộ, nhân viên sẽ tiến hành bốc thăm căn hộ. Giá căn hộ này đều được quy định rõ, cơ sở để các khoản thuế, phí nộp ngân sách.
Thế nhưng, ngay sau khi bốc thăm, sẽ có nhiều cán bộ không có nhu cầu ở đến căn hộ này nên sẽ bán ra ngoài thông qua các sàn môi giới. Và khi khách hàng có nhu cầu thì đặt tiền, sàn sẽ thu tiền và đứng ra bán nhà thay cho các cán bộ, nhân viên. Giá bán các căn hộ thực tế này luôn cao hơn giá bán trên hợp đồng.
Thực tế trên đang đặt ra câu hỏi, việc lấy danh sách đối tượng theo các chủ đầu tư đưa ra để xin chủ trương đầu tư có đúng không? Và những giao dịch chuyển nhượng giá chênh này sẽ được quản lý và có tạo nguồn thu ngân sách nhà nước thu không? Hay đây là hình thức trục lợi của các đối tượng được mua nhà ở này.
Xét ở khía cạnh chủ đầu tư, việc dự án gắn với những cái tên “nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ” có trở thành “lá bùa hộ mệnh” không? Thực tế ngoài dấu hiệu trốn thuế từ việc bán nhà giá chênh, có chủ đầu tư thực hiện tổ chức huy động vốn trái chủ trương đầu tư, trái quy định của pháp luật.
Điển hình như dự án dự án công trình nhà ở cán bộ chiến sĩ Bộ Công an Athena Complex Pháp Vân do liên danh Công ty TNHH phát triển đô thị và xây dựng 379 và Công ty Cổ phần công nghiệp Hàn Việt làm chủ đầu tư. Dự án được Hà Nội phê duyệt Quyết định chấp thuận đầu tư vào tháng 4/2018 và được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng phần ngầm vào tháng 9/2018 nhưng đến tháng 12/2018 dự án mới được khởi công xây dựng.
Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2018, việc rao bán, nhận cọc căn hộ, ký Hợp đồng mua bán căn hộ Athena Complex Pháp Vân đã được chủ đầu tư thực hiện. Đáng nói, người mua nhà không phải là cán bộ chiến sỹ bộ công an vẫn ký Hợp đồng mua bán trực tiếp với chủ đầu tư với giá chênh lên cao hàng triệu đồng.
Như vậy, tình trạng bán giá chênh nhà ở cán bộ đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều dự án. Điều này đang đi trái với chủ trương đầu tư dự án của thành phố. Đồng thời cũng tạo ra những hành vi trốn thuế của cả chủ đầu tư và người chuyển nhượng, mua bán gây thất thoát ngân sách Nhà nước.