Được phê duyệt đầu tư từ rất lâu, nhưng cả chục năm dự án không triển khai, người dân trong vùng dự án khổ sở sống cảnh đi không được ở không xong.
- Xoá xổ chung cư hoang tàn trên ‘đất vàng’ Hà Nội
- Tai hoạ bất thình lình ập tới nếu treo tranh tường theo cách này
3 thế hệ “sống treo” cùng dự án…
Dự án Siêu thị Metro tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được UBND thành phố phê duyệt vào năm 2005, với diện tích hơn 4,6 ha. Viễn cảnh khi dự án này hình thành sẽ là một trung tâm thương mại hiện đại khu vực phía Nam thành phố. Giai đoạn 1, với gần 3 ha đất được giải phóng mặt bằng siêu thị Metro Hoàng Mai được hoàn thành vào cuối năm 2007.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, chủ đầu tư không có động thái nào triển khai tiếp dự án “Siêu thị Metro – giai đoạn 2”. Từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư tới nay đã 13 năm, người dân khu vực tổ 16, 18 và 19 phường Yên Sở phải sống cảnh “nằm treo” cùng dự án.
Ông Nguyễn Duy Nhạn (người dân ở tổ 16, phường Yên Sở) cho biết, gần 200 hộ dân ở trong khu vực giải phóng mặt bằng đã khổ sở nhiều năm với dự án “treo” này. Bức xúc nhất đối với người dân là không được xây dựng, sửa chữa nhà khi đất nằm trong quy hoạch.
“Nhà tôi 3 thế hệ, gần 10 người sống trong căn nhà chật hẹp xây dựng từ cuối năm 1980 và đã xuống cấp khiến nhiều chỗ dột nát, tường nứt ngấm nước mỗi khi trời mưa, làm đơn xin sửa chữa đều được UBND phường trả lời là nằm trong quy hoạch không thể làm được. Khi mở rộng đường Lĩnh Nam, tôi mới được cải tạo tạm căn nhà cấp 4 phía ngoài, tuy nhiên vẫn không được xây dựng nhà kiên cố” – ông Nhạn nói.
Ngoài việc không được phép sửa chữa, xây dựng nhà, lâu nay những căn nhà ở tổ 16, 18 và 19 phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) còn không có số nhà, do nằm trong diện chờ để thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Các gia đình ở đây có con đi thi đại học phải nhờ địa chỉ nhà hàng xóm khu vực phía trong đăng ký địa chỉ trong hồ sơ dự tuyển, khi trường gửi giấy thông báo còn có thể nhận được.
“Gia đình tôi đã ở đây 37 năm, khu vực này có tổ dân phố, chi bộ và các tổ chức đoàn thể từ rất lâu, là khu dân cư ổn định. Nhưng vì dự án “treo” Siêu thị Metro – giai đoạn 2 mà người dân phải sống trong cảnh đi không được, ở không xong. Chúng tôi chỉ mong muốn thành phố Hà Nội có phương án giải quyết dứt điểm, thu hồi dự án để người dân đỡ khổ” – bà Trần Thị Lương, tổ trưởng tổ 16, phường Yên Sở nói.
Dự án Siêu thị Metro Hoàng Mai đã được nhà đầu tư Đức chuyển nhượng cho doanh nghiệp của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) từ năm 2016. Đến đầu năm 2017, Siêu thị Metro Hoàng Mai được đổi tên thành MM Mega Market. Theo thông tin từ phường Yên Sở, chủ đầu tư mới người Thái đã có đề nghị xin ngừng việc triển khai dự án Siêu thị Metro giai đoạn 2.
Chủ đầu tư “bặt vô âm tín”, dân sở tại gặp khó
Cũng như dự án Siêu thị Metro, dự án Khu đô thị làng Việt cổ ở xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được phê duyệt từ rất lâu (năm 2008). Tổng diện tích đất thu hồi của dự án này là 23,4 ha (đất nông nghiệp) dự án do Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại HSTC làm chủ đầu tư. Thế nhưng 10 năm nay, dự án này vẫn “đắp chiếu” nằm im lìm.
Khi đến xã La Phù, ít ai có thể biết được nơi quy hoạch để thực hiện dự án Khu đô thị làng Việt cổ, khi không có bảng thông tin công bố quy hoạch dự án. Toàn bộ khu đất để triển khai dự án vẫn là một cánh đồng lúa, hoa màu xanh tươi, người dân vẫn cấy cày trên những thửa ruộng.
Ông Nguyễn Văn Vương, người dân thôn Đoàn Kết, có ruộng nằm trong diện tích giải phóng mặt bằng của dự án Khu đô thị làng Việt cổ, cho biết: “Người dân nghe nói có dự án từ rất lâu rồi, nhưng mãi cũng chưa thấy gì. Khu vực ruộng trong dự án chưa thu hồi, người dân cũng chỉ canh tác tạm, không dám đầu tư gì vì không biết lúc nào dự án làm”.
Năm 2017, tức là 10 năm sau khi dự án được phê duyệt, phía chủ đầu tư mới liên hệ với UBND xã La Phù làm công tác giải phóng mặt bằng. Nhưng chỉ được vài buổi làm việc với chính quyền cơ sở, phía chủ đầu tư lại “bặt vô âm tín”.
Theo ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã La Phù, dự án Khu đô thị làng Việt cổ vẫn chỉ nằm trên giấy, trong thời gian dài chưa nhận được thông báo về việc thu hồi giải phóng mặt bằng của dự án. Mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực đất thu hồi giải phóng mặt bằng vẫn được thực hiện.
“Người dân canh tác trên diện tích đất trong kế hoạch thu hồi của dự án nhưng vẫn lo, không biết khi nào dự án thu hồi, khi người dân đầu tư sản xuất mà dự án lại triển khai thì người dân sẽ thiệt hại về hoa màu. Bên cạnh đó, do là khu vực đất quy hoạch giải phóng mặt bằng nên việc đầu tư về thủy lợi cho sản xuất lâu nay cũng không được thực hiện, điều này khiến việc sản xuất của bà con gặp khó khăn” – ông Khoa cho biết.
Trong báo cáo số 57 của HĐND thành phố Hà Nội (ngày 17/7/2018) về kết quả giám sát các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, dự án Khu đô thị làng Việt cổ ở xã La Phù đã được nêu tên. Đây là dự án chậm triển khai 10 năm nay, là dự án không có trong danh sách 161 dự án chậm triển khai theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (?). HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị UBND thành phố thanh tra, xử lý các vi phạm của dự án theo quy định.
Dự án Siêu thị Metro và dự án Khu đô thị làng Việt cổ chỉ là 2 trong số hàng trăm dự án “treo” ở Hà Nội. Các dự án này đã khiến người dân trong khu vực giải phóng mặt bằng luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở.
Rõ ràng, khi dự án treo thì diện tích đất - nguồn tài nguyên quý giá, cũng bị bỏ phí nhiều năm. Không những thế, hàng loạt dự án “treo” đang bị biến tướng khi chủ đầu tư sử dụng đất trái mục đích. Nội dung này, chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo./.