Sau 4 tháng đầu năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức kỷ lục, trong đó bất động sản đứng vị trí thứ hai khi thu hút 1,1 tỷ USD.
- Sai lầm ‘chí mạng’ mất đứt trăm triệu khi bán nhà
- 7 bí quyết siêu đơn giản và tiết kiệm giúp phòng ngủ sang trọng hơn
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy vốn FDI 4 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây. Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đứng thứ hai là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) với 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số vốn khủng khi gần bằng toàn bộ nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này cả năm 2016 là 1,68 tỷ USD.
Như vậy liên tục kể từ năm 2016 đến nay, BĐS vươn lên đứng thứ hai thu hút vốn ngoại đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với số vốn không ngừng tăng lên.
Được biết, Hà Nội là nơi lượng vốn ngoại đổ vào nhiều nhất với 4,47 tỷ USD, đứng thứ 2 là TP.HCM với 2,37 tỷ USD, Bình Dương đứng thứ 3 với số vốn hơn 1 tỷ USD. Ba địa phương này chiếm hơn 50% tổng lượng vốn ngoại đổ vào Việt Nam trong thời gian qua.
Trước đó, năm 2018, lĩnh vực BĐS tại Việt Nam thu hút hơn 6,6 tỷ USD vốn của nhà đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 18% tổng lượng vốn đăng ký.
Các đại dự án BĐS của nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia vẫn dẫn đầu trong các phân khúc BĐS tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, vốn FDI đổ vào lĩnh vực BĐS sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường BĐS Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS phải lường trước được những rủi ro tiềm ẩn, trong đó có nguy cơ tạo nên bong bóng BĐS, gây rủi ro tín dụng do lượng vốn dư thừa trong hệ thống.
"Lượng vốn quá lớn có thể thổi phồng bong bóng BĐS ở Việt Nam lên và đến một lúc nào đó, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn hay bán tháo chạy khỏi thị trường, lập tức nó sẽ ảnh hưởng trước hết đến các nhà đầu tư bỏ vốn, thứ nữa là đến những người đang vay vốn để đầu tư, đẩy họ vào khó khăn. Khi ấy, các ngân hàng cho vay đầu tư BĐS cũng trở nên khó khăn", vị này cảnh báo.
Đặc biệt, theo vị này, khi lượng vốn FDI đổ vào BĐS Việt Nam nhiều khiến thị trường nóng lên, các doanh nghiệp Việt cũng vì thế mà đi vay vốn đổ tiền vào BĐS. Một nguồn lực không nhỏ đáng lẽ để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lại chảy sang BĐS.