Không muốn con gái 7 tuổi phải chịu cảnh chen chúc, tắc đường, một người đàn ông đã lái máy bay hạng nhẹ chở con về quê ăn Tết.
- Thương tâm gia đình gặp nạn trên đường về quê ăn Tết, con gái 3 tuổi không qua khỏi
- Thương tâm: Bố mẹ chứng kiến con gái 16 tuổi bị xe tải cán tử vong trên đường về quê đón Tết
Khoảng 40 ngày quanh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, người dân Trung Quốc đi làm ăn xa đổ về quê nhà để đón năm mới cùng gia đình (Xuân vận) sau một năm làm việc vất vả. Trung bình mỗi năm người dân nước này thực hiện 9 tỷ chuyến đi.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết số chuyến đi bằng đường sắt, đường cao tốc, hàng không và đường thủy dự kiến đạt khoảng 1,8 tỷ. 80% số chuyến đi còn lại là người dân tự di chuyển bằng ô tô. Lượng người về quê ăn Tết lớn khiến các bến xe, nhà ga, sân bay luôn chật kín khách.
Để tránh tình trạng kẹt cứng nhiều giờ trên đường, anh Vương (sống ở tỉnh An Huy, Trung Quốc) đã quyết định đưa con về quê ăn Tết theo cách đặc biệt. Theo đó, người đàn ông này đã điều khiển một chiếc máy bay hạng nhẹ hai chỗ ngồi, chở theo con gái 7 tuổi cùng hành lý buộc sau cabin để về quê tại một địa phương cũng nằm trong tỉnh An Huy.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên anh Vương tự lái máy bay đưa người thân về quê ăn Tết. Những năm trước, người đàn ông này cũng dùng cách tương tự để tiết kiệm thời gian phải chen chúc trên đường.
"Con gái tôi đã quen với khoang lái và có nhiều trải nghiệm bay cùng bố khi mới 4-5 tuổi nên các chuyến đi rất thuận lợi. Thi thoảng con bé còn ngủ một cách thoải mái với các chuyến bay dài", người cha chia sẻ.
Theo anh Vương, thời gian di chuyển bằng máy bay từ Lục An về quê hương Lệ Tân, tỉnh An Huy chỉ mất 50 phút. Trong khi đó, nếu đi bằng ô tô sẽ mất 3 tiếng, chưa kể xảy ra tắc đường.
Ngay khi đăng tải nhiều cư dân mạng bày tỏ sự ngưỡng mộ vì bố con anh Vương thoát khỏi được sự khốn khổ của giao thông trong những ngày này. Nhưng một số người thắc mắc về điều kiện để được bay hoặc máy bay sẽ hạ cánh ở đâu nếu điểm đến không có sân bay.
Anh Vương cho biết mình là một phi công huấn luyện bay nhiều năm nên anh có sẵn giấy phép, kể cả với các chuyến bay dài. Luật pháp Trung Quốc quy định độ tuổi tối thiểu để lấy bằng phi công là 17, nhưng không có giới hạn độ tuổi để trải nghiệm bay nên trẻ em hoàn toàn có thể tham gia miễn là tình trạng thể lực đảm bảo.
Riêng vấn đề hạ cánh, anh cho biết ở quê nhà có một trang trại bỏ hoang và máy bay có thể hạ cánh tại đó. Người dân ở quê cũng đã quen với cảnh người đàn ông này lái máy bay riêng về nhà.
Để có thể thực hiện chuyến bay cá nhân, ông bố một con cho biết trước khi bay phi công phải báo cáo cho Cục Hàng không dân dụng và cơ quan có thẩm quyền về giờ gian khởi hành, tuyến bay. Khi được xác nhận không có xung đột trên đường bay, phi công mới được cất cánh.
"Do đường bay của tôi là tuyến cố định nên chỉ cần báo cáo trước vài tiếng. Mọi việc diễn ra rất thuận lợi", anh Vương nói.