Tôi yêu cầu chồng dành ra một chút để tiết kiệm, khi trả nợ cho mẹ thì chia sẻ với tôi nhưng anh không đồng ý.
- Bắt quả tang bạn đời ngoại tình: Đừng tự làm đau mình thêm nữa
- Thư gửi con gái của mẹ: Quan trọng hơn một gia đình hoàn chỉnh là mạng sống của con
Tôi 23 tuổi, chồng 36, kết hôn được 3 năm, thời gian yêu và cưới là 7 năm. Từ khi cưới, số lần hạnh phúc, không cãi vã chắc đếm trên đầu ngón tay, tuy không đến nỗi động tay chân, nhưng khiến tôi tức nghẹn muốn ngất xỉu. Tính anh trầm, ít nói, làm IT nên tối ngày chỉ ôm máy tính và không cần biết bất cứ chuyện gì. Điểm tốt ở anh là giữ lời hứa, và khi tôi bệnh anh chăm rất tốt. Anh từng ngoại tình một lần, do mẹ chồng gây áp lực nên anh quay về.
Từ khi kết hôn, anh không bao giờ chia sẻ với vợ bất cứ chuyện gì. Là thu nhập chính trong gia đình, lương khá cao nhưng anh luôn lo cho mẹ. Mẹ anh kinh doanh nhưng không có lãi, nợ nần chồng chất. Anh hiện ôm số nợ lớn cho mẹ nên chúng tôi không có khoản tiết kiệm nào. Tôi chấp nhận việc chồng lo tài chính cho mẹ, vì bà không có chồng lo nên tôi thương. Tuy vậy, tôi yêu cầu anh dành ra một chút để tiết kiệm, khi trả nợ cho mẹ thì chia sẻ với tôi. Anh không đồng ý, nói nợ nần là chuyện riêng của mẹ, không chia sẻ được. Anh luôn lấy lý do tôn trọng quyền riêng tư để không cho tôi xem điện thoại, không có tài khoản chung, không đụng vào máy tính của anh. Ngoài ngủ cùng giuờng, vợ chồng tôi chẳng có gì chung.
Thời gian gần đây, tôi gây áp lực, muốn biết tài chính của anh là bao nhiêu, chi vào việc gì, chia sẻ để hai vợ chồng bàn bạc. Anh không chấp nhận, nói đó là chuyện riêng. Tôi khóc rất nhiều, nói nếu anh không chia sẻ với vợ những chuyện quan trọng thì ly hôn. Anh đồng ý, bảo tôi cứ đi, anh không giữ. Anh kể chuyện này cho mẹ chồng biết. Bà gọi tôi lên phòng nói chuyện riêng. Bà nói: "con đến với nó vì tiền và muốn gom hết tài sản của con trai mẹ à. Con muốn biết tài chính của nó rồi con lấy hết theo thằng khác, làm sao mẹ trở tay kịp. Con muốn quản lý nó hả? Nó là con của mẹ, con quên chuyện đó trong đầu đi. Nếu ở không được thì đi, mẹ không giữ".
Nghe những lời nặng vậy, tôi không kiềm được có hỏi "con lấy chồng hay lấy mẹ". Chưa dứt câu, bà đã rất giận. Trong cuộc nói chuyện, tôi nói thêm được câu nữa là: "Chúng con lớn rồi, có tâm tư nguyện vọng, chính kiến riêng. Thời buổi bây giờ, giáo viên làm sai, học sinh còn có thể nói mà mẹ". Rồi tôi gọi về cho mẹ đẻ bảo "mẹ chồng con nói vậy, mẹ dạy con cách nói chuyện đi". Mẹ chồng xuống nhà la lớn, nói tôi hỗn. Chồng tôi nghe vậy cũng bảo tôi láo, bất hiếu và bắt xin lỗi bà. Tôi không đồng ý vì làm theo khác nào thừa nhận bà đúng.
Trước đây, mọi việc trong nhà tôi đều nghe theo sắp xếp của mẹ chồng và làm hết nên bà cư xử nhỏ nhẹ. Tháng 6 vừa qua, tôi nhận thêm việc nên không còn sức làm hết mọi việc như trước, thái độ của bà khác hơn. Chồng tôi luôn nghe theo mẹ và không bao giờ đứng về phía vợ, dù đúng hay sai. Khi tôi xin ra ở riêng, mẹ chồng không cho, bắt chồng tôi chọn mẹ hoặc vợ, nếu chọn tôi, bà sẽ tự vẫn. Chồng nói với tôi rằng mẹ chỉ có một, vợ có thể thay thế. Anh muốn tôi lấy lòng bà. Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, anh đều kể cho mẹ nghe. Tôi từng góp ý nhưng vô ích. Tôi có quá đáng không? Chồng tôi làm vậy và có suy nghĩ đó thì có bình thường không? Tôi có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa không? Nếu tiếp tục, tôi phải làm gì, hoặc nói gì để chồng hiểu và thay đổi, công bằng hơn. Nhờ chuyên gia tư và độc giả vấn giúp tôi.
Hà
Nhà tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:
Gửi Hà,
Hôn nhân của bạn không chỉ là mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, mà xen vào hai người là mẹ chồng. Bạn, chồng bạn và mẹ chồng nếu không cắt nghĩa và xử lý đúng từng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, có thể dẫn đến đổ vỡ.
Trong gia đình bạn, có ba mối quan hệ chính: Thứ nhất, mẹ chồng và chồng bạn. Đây là mối quan hệ gắn bó. Bản thân chồng bạn và mẹ không muốn giảm sự gắn bó với nhau ngay cả khi anh ta đã cưới bạn. Sự gắn bó quá mức giữa họ có thể do mẹ chồng bạn là phụ nữ đơn thân nên muốn giữ con trai một mình, không muốn chia sẻ với ai. Khi bạn xuất hiện, cảm giác "phải cạnh tranh với bạn để giành con trai về" xuất hiện, có thể từ đó bà không thích bạn. Còn chồng bạn cảm thấy trách nhiệm nặng nề và có lỗi khi để mẹ buồn, bởi vậy anh ta luôn bảo vệ mẹ trước mặt vợ.
Thứ hai: bạn và chồng bạn. Đây là mối quan hệ hôn nhân, không phải ruột thịt, tình cảm vợ chồng là sợi dây liên kết giữa hai người. Thông thường trong quan hệ hôn nhân gia đình, nam giới là trụ cột, phụ nữ là tay hòm chìa khóa, giữ tiền chi tiêu cho cả nhà. Nếu chồng không đóng góp một phần thu nhập để bạn lo cuộc sống hàng ngày, đó là điều không đúng. Bởi cả hai đều phải có trách nhiệm cho việc này, nhiều khi nam giới là chính. Nếu chồng bạn không hiểu được bản chất của mối quan hệ hôn nhân; sự khác biệt với mối quan hệ cha mẹ và con cái, có thể dẫn đến đổ vỡ hôn nhân. Sự đổ vỡ này không phải là do bạn, mà do chồng bạn không tách được hai mối quan hệ đó.
Thứ ba: bạn và mẹ chồng bạn. Như bạn mô tả, đây là mối quan hệ đang căng thẳng và mâu thuẫn. Nếu mẹ chồng bạn không thích, không muốn và không chấp nhận sự dân chủ trong gia đình, đương nhiên sự giao tiếp cởi mở sẽ không có, luôn luôn phải theo thứ bậc kiểu như một dạ hai vâng. Do vậy, bạn phải lựa để giao tiếp.
Tựu chung lại, bạn đang ở tình huống khó xử, sự cố gắng của bạn chỉ có khoảng 30% cơ hội cứu được cuộc hôn nhân hoặc giúp bạn sống thoải mái hơn, 70% còn lại phụ thuộc vào chồng bạn. Nếu chồng bạn muốn giữ cuộc hôn nhân này và muốn hạnh phúc, anh ta phải là người cố gắng và thay đổi. Thay đổi đầu tiên là chồng bạn tách được mối quan hệ mẹ con ra khỏi hôn nhân. Chẳng hạn, việc ra ở riêng cần được bàn bạc cụ thể và thực thi. Chúc hai vợ chồng bạn sớm tìm ra tiếng nói chung để cứu cuộc hôn nhân và giữ được mối quan hệ tốt với người mẹ.