Bạn bè, người thân bắt đầu rủ rỉ: “Khổ vậy thì chia tay cho nhẹ người”. Chị bảo: “Muốn cho con còn có cha…”.
Chị là y tá của một bệnh viện trong thành phố. Mỗi tuần hai lần, chị phải trực đêm đến tận sáng hôm sau. Những ngày không phải trực, tầm năm giờ chiều chị đã về đến nhà. Vì vậy chị dự định làm thêm công việc bán hàng từ chiều đến tối vào những ngày này để kiếm thêm tiền trả nợ.
Chồng chị cá độ bóng đá từ nhiều năm trước nên nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Chị đứng tên vay ngân hàng để trả nợ cho anh. Đến nay, tiền vay lẫn tiền lãi đã tròm trèm ba - bốn trăm triệu. Ngoài cá độ bóng đá, anh ấy không đi làm gì thêm.
Toàn bộ thu nhập của chị vừa dành để nuôi cả gia đình, vừa phải trả nợ ngân hàng. Thằng bé con chị còn đang đi học nên tốn kém vô cùng. Chị cứ tất bật với việc nhà, việc trực, việc làm thêm. Gương mặt chị hốc hác, tóc tai rối bời, nhưng đến bữa, chị còn phải bưng cả tô cơm vào tận giường cho chồng dù anh ấy không phải làm gì mà cũng không bệnh tật gì.
Bạn bè, người thân bắt đầu rủ rỉ: “Khổ vậy thì chia tay cho nhẹ người”. Chị bảo: “Muốn cho con còn có cha…”. Bạn bè hỏi chị sao phải vất vả chiều chuộng chồng đến vậy. Chị trả lời anh ấy là con một, được cưng chiều từ nhỏ nên quen rồi. Nếu không được chiều chuộng thì anh sẽ lại nổi nóng, mà chị thì lúc nào cũng muốn giữ gia đình êm ấm. Thằng bé con chị hay nói: “Con chẳng muốn đi học chút nào. Lớn lên con chỉ cần như ba thôi. Nằm nhà ở không có vợ nuôi là được rồi”.
Một người bạn của chị đã ly hôn chồng khi anh ấy không chịu đi làm, lại còn thích nhậu và dễ nổi nóng. Chị ấy nói bây giờ chị cảm thấy rất tự do và hạnh phúc, còn con chị ở cùng một người cha như vậy cũng chẳng ích lợi gì cho nó.
Có người bảo chị thật mạnh mẽ nên mới chịu đựng được từng đó áp lực việc nhà, việc mưu sinh, vì tình yêu dành cho con. Có người thì bảo phụ nữ không bỏ được chồng vì vẫn cần một người đàn ông khi trở về nhà sau một ngày mệt nhoài, một người đàn ông xuất hiện bên cạnh mình trước cái nhìn của xã hội. Anh ấy giỏi giang, tử tế thì tốt. Anh ấy nợ nần, thất nghiệp, tệ bạc thì ít ra mình vẫn còn chồng, con mình vẫn còn cha.
Yêu thương không có nghĩa là cho phép hay để mặc người khác tệ bạc, lợi dụng mình và sống vô trách nhiệm với gia đình và bản thân. Yêu thương liệu có phải là cần ai đó bên cạnh mình dù người ấy đối xử với mình ra sao chăng nữa? Yêu thương hay là phụ thuộc và chịu đựng? Còn sức mạnh nội tâm phải chăng chính là sức mạnh để chuyển hóa, nhưng kết quả của sức mạnh nội tâm chính là hạnh phúc chứ không thể là khổ hạnh. Sự hy sinh của phụ nữ không phải để con cái có một người gọi là cha, và sự hy sinh này sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu nó không thực sự mang lại lợi ích cho chính đứa trẻ.