Cái thuở lơ ngơ mới về là thời điểm đẹp nhất để “dạy” chồng. Khi đó, “cậu học trò ngang tuổi” này rất vâng lời, bảo gì cũng làm, kêu nhảy vào lửa cũng nhảy.
- Lời thú tội bàng hoàng của cô dâu đêm tân hôn khiến chú rể 'phát điên'
- Khổ vậy thì chia tay cho nhẹ người
Không mấy chị em (trong đó có tôi) biết tận dụng thời điểm quý báu này, nên đã giành hết mọi việc về mình với mong muốn thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm và chăm sóc. Đó là những động cơ tốt, nhưng lại chưa thông thái khi sử dụng, đã khiến cho “học trò” hình thành một số thói quen mà đến bây giờ tôi phải ân hận.
“Thôi cứ để em nấu cơm, để em giặt quần áo, để em dọn dẹp... Anh cứ đi nghỉ đi, xem ti vi đi, tẹo nữa chín cơm em gọi...”. Với tố chất của một cậu học trò ngoan, thấy vợ nhiều việc mà mình lại ngồi xem ti vi coi sao đặng, nên: “Thôi cho anh phụ em”. Nhưng: “Không cần đâu, mấy phút nữa là em xong rồi”.
Những hình ảnh đẹp đẽ thuở ban đầu đó, tôi không sao quên được... Nhưng cũng chính sự ngọt ngào đó đã cướp mất cậu học trò ngoan ngoãn của tôi. Anh đã quá quen với sự rảnh rang thoải mái nên giờ lười hơn, xem ti vi nhiều hơn, coi mọi việc trong nhà đương nhiên là của vợ mà không cần phải lăn tăn suy nghĩ.
Sau khi có con, việc nhà của tôi ngày càng nhiều, trong khi vẫn phải đi làm như anh ấy. Đôi khi tôi còn thấy mình ghen tỵ với cả… Ô-sin nhà hàng xóm. Cô ấy được cả gia đình nhà chủ coi trọng và yêu mến...
Đôi khi tôi cũng hỏi ướm: “Anh giúp em dọn nhà được không?”, và nhận được câu trả lời: “Tôi còn phải lo kiếm tiền, thời gian đâu làm mấy việc linh tinh đó”. Chả biết nói gì nữa, tôi đành lủi thủi làm một mình, mọi việc cuối cùng cũng xong. Nỗi buồn của tôi không phải vì quá nhiều việc, mà là cảm giác cô đơn vì “anh ấy không hiểu mình, chúng ta không hiểu nhau”.
Thật vậy, khi không thể chia sẻ việc nhà, chúng ta cũng chẳng còn gì để nói với nhau. Mỗi người đã làm mỗi cơ quan khác nhau rồi, giờ về đến nhà cũng không thể chung tay xây dựng tổ ấm. Xem nó là nhà nghỉ cũng không hẳn, nơi làm việc thì càng không, trong khi rất nhiều việc vẫn phải làm. Ngôi nhà tạm giống như một nơi phải hoàn thành trách nhiệm vậy.
- Mai đi Vũng Tàu với anh, ăn cưới một người bạn nhé!
Tôi không biết phải trả lời sao. Vừa muốn đi cùng anh để cải thiện tình cảm tẻ nhạt bấy lâu, vừa chả có hứng đi đâu cùng anh vì chúng tôi bây giờ như đang sống ở hai thế giới khác.
- Em không trang điểm à?
Nói sao để anh hiểu rằng em đã mất cảm giác muốn trang điểm từ lâu, do quá tải và quá căng thẳng việc nhà. Anh đâu thể nào biết được điều đó... Nhưng rồi tôi cũng thay tạm một chiếc áo.
- Ôi! Áo em mua lúc nào đẹp thế?
Đây là một câu khen hiếm hoi anh dành cho tôi, nhưng không hiểu tại sao tim tôi lại đau đến thế? Tôi đóng sập cửa, nước mắt cứ tuôn ra... Đó là chiếc áo tôi mua cách đây hai năm, nhưng anh đâu có thời gian để nhìn tôi mặc.
Đứa con thứ ba sắp chào đời, anh gọi cho mẹ tôi lên, và cũng chẳng quan tâm tôi sinh con ở bệnh viện nào nữa. Có thể anh nghĩ rằng, tôi đã có kinh nghiệm đẻ hai đứa trước nên chắc cũng chả cần đến anh. Mà cũng đúng, anh đâu phải sinh nở mà phải đến bệnh viện làm gì. Giá như anh hiểu được rằng, được nhìn thấy anh dù chỉ vài phút, thì em và con cũng đỡ tủi thân biết bao.
Sau mười lăm năm chung sống, mọi thứ cứ dần đổ vỡ từ những chuyện rất nhỏ. Cũng vui vì giờ đây anh đã có thể chia sẻ, chỉ hơi buồn vì đó không phải tôi mà là một người khác. Nhưng tôi không trách anh, lỗi là ở tôi ngay từ đầu đã không cho anh cơ hội được sẻ chia công việc, được thực sự đồng hành cùng mình.
Nhưng tôi không buồn lâu, vì cuộc hôn nhân tan vỡ đã giúp tôi thấu hiểu bản thân, về sức mạnh cũng như giá trị quý báu bên trong để sống đúng đắn hơn, trọn vẹn hơn với một cuộc đời mới và thú vị hơn rất nhiều...
Câu chuyện của tôi không phải là một kịch bản quá xa lạ với nhiều chị em, nhưng điều tôi muốn chia sẻ với các bạn, là một hướng đi mới mà tôi may mắn tìm được sau khi quyết định khép lại cánh cửa cũ. Nó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi theo một cách mà có nằm mơ tôi cũng không bao giờ dám nghĩ tới.