Tôi lắng nghe cơn tủi thân của chị... thầm nghĩ, có lẽ vì quá cứng cỏi, mạnh mẽ nên không chỉ nhà chồng mà những người xung quanh không ai hiểu chị cũng cần được quan tâm, được một chăm sóc nho nhỏ để thành niềm vui lớn.
- Đàn ông có tiền giữ được đàn bà có sắc, đàn ông có tình giữ được đàn bà có tâm
- Đàn bà lấy chồng nên có 'quỹ phòng thân'
Người ta khen chị mát tay làm ăn, đụng vô đâu cũng sinh lời.
Thật ra sự thành công của chị là cả một chặng đường dài chịu thương chịu khó. Bắt đầu là nhân viên tiếp thị bánh kẹo của một công ty nhỏ. Không đủ sức chen chân giữa những thương hiệu lớn chiếm lĩnh thị phần phố phường, chị một mình với chiếc xe máy chất đầy thùng to thùng nhỏ chạy về vùng ven. Chào mời hàng quán ở thôn xã chịu nhận hàng của mình không khó, điều đáng nói là các chủ quán đều muốn mua nợ, bán được hàng mới trả tiền. Mà công ty thì không có chính sách hỗ trợ khoản nợ này. Lỡ quán bán hết hàng rồi mà chây ì không chịu trả thì sao?
Chị suy từ mình ra là công việc làm ăn kiếm cơm ai cũng mong muốn lâu dài, rủi ro lắm mới đụng kẻ lừa đảo. Vậy nên chị tìm hiểu kỹ càng, quán nào nghe ngóng từng có tai tiếng nợ nần thì chị né, quán nho nhỏ trong xóm mà chủ đàng hoàng thì chị sẵn lòng tìm tới dù cả tháng trời chỉ bán được vài hộp bánh và mấy hũ kẹo mà thôi. Chị nhủ lòng góp gió thành bão, vài quán nhỏ cộng lại cũng bán được vài thùng.
Sau mười năm, đặt lên bàn cân chị được nhiều hơn mất, mà cái được nhất là chị xây dựng mạng lưới khắp vùng ven. Cũng chừng ấy thời gian, thôn xóm phát triển nhộn nhịp hơn, quán xá nho nhỏ ngày nào giờ đây trở thành đại lý. Thêm 5 năm nữa, chị trở thành nhà phân phối.
Yêu một người mà mẹ của người ấy lại là chủ quán chị nhiều lần từ chối bán chịu. Thật oái oăm. Tính chuyện cưới xin, chị nghĩ ngợi công chuyện buôn bán mình từ tay trắng mà có được ngày hôm nay, huống chi trong tình yêu chị đã có anh bên cạnh thì sợ gì chứ. Chị suy ra, mình mong muốn hạnh phúc thì cha mẹ càng mong muốn con trai họ được hạnh phúc.
Chồng chị là huấn luyện viên võ thuật ở nhà văn hóa. Có người vợ đảm đang, anh toàn tâm toàn ý cho câu lạc bộ võ thuật. Nhiều người nói chị là nhà tài trợ chính. Nghe như đùa mà rất thật, chẳng phải vậy sao, trước anh đã có những huấn luyện viên rất tâm huyết mà vì chuyện cơm áo đành ngậm ngùi ra đi, còn anh, từ khi lấy vợ thì anh có nhiều thời gian hơn cho câu lạc bộ.
Không chỉ hết lòng với chồng, chị cố gắng đắp xây hạnh phúc bằng cách không chỉ hiếu thảo với cha mẹ chồng mà cả bốn đứa em chồng chị cũng thơm thảo. Chuyện cưới xin, từng đứa đều do tay chị lo liệu từ tấm thiệp cho đến tiệc tùng. Từng đứa lần lượt mua đất cất nhà hỏi mượn tiền, chị rộng rãi móc túi ra, phần này là mượn phần này là anh chị cho…
Ai cũng biết cơ ngơi do một tay chị làm nên, nhưng món tiền nào chi ra chị đều nhắc tới chồng “vợ chồng con biếu ba má”, “vợ chồng anh chị cho mấy đứa nè”…
Có người ghen tỵ thì nói chẳng qua chị yêu chồng quá nên mới phải chiều chuộng cả nhà chồng đến vậy, đàn bà khi yêu…
*
Ừ, đàn bà khi yêu thường làm lơ những điều ai cũng rõ. Như là đứa em chồng than thở tiền lương công ty không đủ sống, chị sẵn lòng thuê chỗ mở quán rót hàng cho đứa em làm chủ. Chưa được tròn năm thì đứa em than thở mình không hợp công việc bán bánh kẹo, bóng gió rủ chị hùn vốn mở shop thời trang. Chị là dân làm ăn căn cơ lâu dài, với kẻ có tính đứng núi này trông núi nọ thì sao gắn kết được. Nhưng lắc đầu thì thế nào cũng sinh chuyện giận hờn, chị phải chìa ra cho em chồng thấy giấy vay nợ ngân hàng mà thông cảm đừng đòi hỏi quá tay.
Mẹ chồng hay kiếm cớ mượn tiền. Mà mượn thì phải trả cho nên mẹ chồng nghĩ ra cách khác là đau ốm. Đi khám bác sĩ về, nghe nói bệnh tình của mẹ nhẹ thôi thì dâu con mừng vui không hết, nói gì tới đòi tiền lại. Cứ vậy, đi nhổ cái răng sâu mà mẹ rên rỉ lỡ nhiễm trùng thì biết làm sao. Chị hiểu ý bèn móc ví ra đưa năm triệu, lỡ có bề gì thì mẹ có sẵn tiền tiện nhờ bác sĩ luôn…
Nhổ răng về, mẹ không nhai cơm được. Chị điện thoại tới quán cháo hầm thuốc bắc nổi tiếng nhất thành phố, dặn dò tô cháo của mẹ phải có thêm thứ này thứ kia. Phải đặc biệt thì mẹ mới… chịu lành bệnh.
Người lớn tuổi đôi khi giống con nít, chị hay cười xòa với chồng và nói vậy.
*
Nào ngờ có lúc chị cũng giống con nít. Cơn cảm sốt giao mùa.
Tôi là bạn hàng. Mỗi lần điện thoại đặt hàng quen nghe giọng chị nhanh nhảu và giải quyết mọi việc gọn gàng, hôm nay người trả lời là cô nhân viên kế toán. Khi tôi nói muốn đổi mấy thùng sữa dâu để lấy sữa ca cao thì cô nói trong kho hết sữa ca cao rồi.
Chị chưa bao giờ trả lời hết hàng, chị sẽ tìm cách điều đình với vài nơi khác để trao đổi sao cho các bên đều được hài lòng.
Bà chủ đâu rồi? - tôi hỏi.
Dạ bà chủ bị cảm phải nằm nghỉ.
Hôm sau, tôi gọi lại, người trả lời vẫn là cô nhân viên. Hôm sau nữa, chị vẫn nằm mẹp trên giường.
Tôi lờ mờ đoán có chuyện gì đó chứ cơn cảm sốt giao mùa đâu có đủ sức khiến người phụ nữ như chị phải nằm mẹp.
Tò mò, tôi mua mấy trái cam lấy cớ đi thăm người ốm và nhìn thấy chị đúng là nằm trên giường. Nhưng cơn cảm sốt chỉ là chuyện vặt thôi.
Chị mân mê mấy trái cam tôi đem tới và cười như mếu “bà là người đầu tiên và chắc cũng là người duy nhất mua quà thăm bệnh nhân đó”.
Ra vậy. Mọi người quen nhìn thấy chị ở vị trí “cho” nên không ai nhớ ra chị cũng rất muốn được “nhận”, mà là nhận từ ai kia.
Chị tuôn ra, ngày đầu tiên mình nằm, em chồng điện thoại hỏi mượn tiền, mình nói đợi chị khỏe rồi tính. Vậy là cứ đợi tới khi chị khỏe thôi, chẳng hỏi một câu chị mệt ra sao. Mình nằm ỳ luôn ngày thứ hai coi thử người ta xử sự ra sao. Cũng y vậy. Mẹ chồng còn nói bệnh giao mùa này cố ngồi dậy đi lại thì mau khỏe chứ càng nằm càng mệt. Vậy thôi. Chẳng thèm hỏi con dâu muốn ăn cháo có hành hay không. Chẳng ai hỏi han mình muốn ăn gì, thích uống nước chanh pha đường hay mật ong. Chị sụt sịt, trong khi ai đau ốm thì mình cũng hết lòng chăm sóc, thậm chí là chưa đau ốm…
Tôi lắng nghe cơn tủi thân của chị và thầm nghĩ, có lẽ vì chị quá cứng cỏi, mạnh mẽ nên không chỉ nhà chồng mà những người xung quanh không ai hiểu ra chị cũng cần được quan tâm, không ai ngờ chị thèm được một chăm sóc nho nhỏ để thành niềm vui lớn. Có lẽ chị quá giàu có quá đủ đầy nên việc chị ăn gì uống gì trong cơn đau ốm không khiến mọi người chú ý vì đã có người giúp việc sẵn sàng nghe lệnh chị mà hầm gà hạt sen hoặc cam mật đường phèn, đâu biết chị mong một ly nước chanh tự tay người nhà pha cho...
Thiên hạ tưởng mình là siêu nhân chắc? Chị òa khóc.
Ừ, với những gì một người phụ nữ có thể làm được thì chị cũng đáng sánh với siêu nhân. Nhưng mà cơn nằm mẹp này thì không nên kéo dài nữa. Thay vì lặng im gặm nhấm nỗi tủi thân và khiến cho nó thêm trầm trọng mà người lãnh đủ nỗi buồn trước tiên là chính chị, thì sao chị không nói ra, trước tiên là nói với chồng. Như là đang nói với tôi đây.
À, mà anh ấy đâu rồi?
Chị lại cười như mếu, chồng đưa câu lạc bộ võ thuật đi thi đấu giao hữu rồi. Dân võ thuật phóng qua đầu người rồi lộn mấy vòng, vung chân tay đấm đá uỳnh uỵch mồ hôi tuôn như mưa là chuyện thường tình nên cơn cảm sốt lấm chấm vài giọt mồ hôi trên trán có đáng sá gì.
Càng hỏi thêm có lẽ càng khiến vết thương sâu, tôi qua chuyện khác “bây giờ mình hỏi bệnh nhân muốn ăn gì nè?”.
Muốn ăn gì ư? Chị thở hắt ra, một tô cháo hành tiêu nóng hổi thì có là quá đáng không?